Suy nghĩ là công việc bình thường của não bộ, như tai tiếp nhận âm thanh, như mũi cho biết mùi. Có những việc chúng ta không thèm suy nghĩ, có những điều chúng ta nghĩ qua rồi thôi. Nhưng có những điều, những việc chúng ta phải nghĩ kỹ, nghĩ chín chắn. Bác sĩ nổi danh Schreiber chuyên về não bộ ở đại học Carnegie Mellon khẳng định “Càng tiến sâu vào não người, tôi hiểu rằng nó chứa đựng những lãnh vực rắc rối, chứa đựng cả một kho tàng các chất hóa học”. Cái kho tàng hóa học này làm cho người “nóng tính” nghĩ khác với người “dễ tính” hay người “bình tĩnh”. Con người cũng không thể yêu cầu não tăng hay giảm cảm xúc theo ý muốn. Vậy nên những cảm xúc ngoài ý muốn cứ làm hại điều mình cần nghĩ kỹ, để rồi cuối cùng con người hình như nghĩ theo công thức : Nghĩ sao cho mình có lợi, nghĩ sao cho vừa lòng mình.

Có nhiều điều chúng ta cần nghĩ kỹ, nghĩ thật chín chắn vì e sợ “sai một ly đi một dặm”. Những vấn đề quan trọng trong việc suy nghĩ, chúng ta mới nghĩ thấy đúng, nhưng nghĩ kỹ lại thấy sai, thấy không ổn. Mới nghĩ thì thấy đúng quá, nghĩ đi nghĩ lại, thấy chưa đúng hẳn. Người ta thường áp dụng ba phương thức căn bản về lý trí : (Nghĩ) Cái gì - what, Tại sao (Nghĩ) - why, (Nghĩ) Thể nào - how trong việc suy nghĩ, hầu mong đúng được phần nào. Thành kiến, tri thức và kinh nghiệm chi phối sự suy nghĩ của chúng ta không ít. Con người cũng chưa hoàn toàn kiểm soát, hay điều chỉnh được cảm xúc của mình và thường để cảm xúc chi phối không ít vào não bộ. Chúng ta cứ thử nghe những chương trình hội thoại, hội luận trên truyền thanh và truyền hình thì nhận ra ngay sự suy nghĩ của mỗi người, ai cũng cho mình là đúng cả và mong mọi người đều nghĩ đúng như mình. Điều này đúng như đã được đề cập trong Kinh Thánh : “Các đường lối của loài người đều chánh đáng theo mắt họ” (Châm-ngôn 21:2). Người tham dự hội thảo hay hội luận ít khi dám nói người khác sai, vì càng hiểu xâu biết rộng càng không chắc mình đă đúng. Nếu không đồng ý, cũng nói khéo : Ý của anh cũng đúng, nhưng theo ý tôi thì…anh nghĩ thế nào ? Hoặc : Ý của anh cũng đúng, nhưng anh giải thích sao về phương diện này ? Mục đích của hội luận và hội thảo là làm sáng tỏ vấn đề, hỗ trợ nhau suy nghĩ chín chắn hầu chấp nhận một sự suy nghĩ đúng chung. Nhưng nhiều cuộc thảo luận, hội luận chỉ đi đến tranh cãi nếu thiếu suy nghĩ chín chắn, mà chỉ đặt tự ái, điều hiểu biết, thái độ chủ quan của mình lên trên với lòng tự tôn tự đại.

Suy nghĩ chín chắn thường mất rất nhiều thì giờ. Một trong những phương cách giúp nghĩ chín chắn là nhìn mọi khía cạnh của vấn đề, và dùng một số “giả thử” với “giả thuyết” ngược lại, và chính mình tìm phương chống đỡ và đánh bại được “giả thử” với ‘giả thuyết” đó thì hy vọng sự suy nghĩ của ta chín chắn được phần nào.

Cái đúng, cái chính đáng trong sự suy nghĩ của loài người về những vấn đề niềm tin và sự sống thường có thể đúng nếu chưa thấy kết cuộc và có thể thay đổi theo thời gian. Lời Kinh Thánh cho chúng ta biết : “Có một con đường coi dường như chánh đáng cho loài người; Nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.” (Châm-ngôn 14:12).

Chúng ta không thấy cái “cuối cùng” chúng ta quyết định đi, khi dừng chân mới biết đó là “nẻo sự chết”, và nhận ra sự suy nghĩ chín chắn của mình chỉ là “dường như chánh đáng” chứ không “chánh đáng” thì đã muộn, vô phương có dịp suy nghĩ lại, quyết định lại.

Ngành bói toán thịnh hành vì người ta không còn tin cậy vào sự suy nghĩ của mình về cuộc sống, muốn biết trước những gì sẽ xẩy ra để có quyết định. Họ nhờ người bói toán “thấy” cái “cuối cùng” để họ quyết định. Các công việc đụng đến thân thể, mạng sống đều phải có bằng cấp, hoặc chứng chỉ và giấy hành nghề để bảo đảm khả năng hành sự. Nhưng ngành bói toán thì không cần bất cứ “bảo đảm nào, cũng chẳng ai có thể thưa thày bói tải tòa về sự thiệt hại do “tin tưởng” mà ra.

Thưa quý vị chưa phải là người Cơ Đốc,

Con cái Chúa chúng tôi biết chắc sự suy nghĩ dầu có kỹ, có chín chắn đến cỡ nào cũng không bảo đảm, không thể cho thấy được cái “cuối cùng”. Nhưng chúng tôi biết chắc một điều : Đức Chúa Trời biết cái “cuối cùng”. Vì cớ đó, lời Kinh Thánh dạy người thuộc về Chúa: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.” (Châm-ngôn 3:5-6).

Sự suy nghĩ của con cái Chúa trong những vấn đề trọng đại cần một quyết định sáng suốt, không phải để vừa lòng mình, mà là vừa lòng Chúa. Người theo Chúa chân chính luôn tâm niệm : “Nguyện sự suy gẫm tôi đẹp lòng Ngài” (Thi-thiên 104:34).

Trên bước đường theo Chúa với sự chỉ dẫn của quý Mục Sư, tôi tin rằng “sự suy gẫm” được đặt trên căn bản “yêu thương, thánh khiết và bình an” thì chắc chắn đẹp lòng Ngài. Nghĩ gì ích mình, hại người, hại xã hội, hay chỉ “chăm về lợi riêng mình”, mà chẳng đoái hoài về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4) là thiếu yêu thương. Nghĩ điều gì để thỏa “theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt ” (Ê-phê-sô 2:3) là thiếu thánh khiết. Nghĩ điều gì với “thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ” (Ga-la-ti 5:20-21) là thiếu bình an. Không đặt trên căn bản “yêu thương, thánh khiết và bình an”, càng nghĩ kỹ, càng mang họa vào thân và gây họa cho người khác. Đó là điều chắc chắn không “đẹp lòng Ngài”.

Muốn “sự suy gẫm” được hiệp với Kinh Thánh, trước hết phải suy gẫm như lời Kinh Thánh dạy : “Quyển sách luật pháp (Kinh Thánh) này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô-suê 1:8).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Xin phép cho tôi nói lên tâm tư của một con cái Chúa trong vấn đề suy gẫm điều Kinh Thánh dạy trên. Tôi chỉ biết đọc, học, suy gẫm lời Chúa, cùng nghe những bài giảng của quý Mục Sư để bước đi theo Chúa. Mặc dầu tôi đã suy gẫm kỹ lưỡng, chứ không thể “suy gẫm ngày và đêm”, tôi vẫn cảm nhận được tôi không hiểu được một số phân đoạn trong Kinh Thánh, vì chân lý của những phân đoạn này đã được quý Mục Sư giải thích theo hai nghĩa khác nhau, và có thể đối chọi nhau. Tôi đã cầu nguyện xin Chúa ban thêm sự thông sáng cho tôi trong việc suy gẫm Lời Ngài trong Kinh Thánh để không bị coi là “kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ (tôi) giải sai về các phần Kinh Thánh” (II Phi-e-rơ 3:16).