Ga Biên Giới

Train



Cửa sổ nhà tôi trông ra một sân ga nhỏ.


Vào mỗi lúc hoàng hôn, tôi thường có thói quen đứng nhìn chuyến tàu từ phương Bắc ghé về. Con tàu chỉ dừng lại trong giây lát rồi tiếp tục tiến về phương Nam. Bỏ lại sau lưng một khung cảnh buồn hiu với vài chiếc khăn tay vẫy chào, lẫn trong dư âm của những lời đón đưa tiễn biệt. Sân ga lại trở về trong nỗi hoang vắng buồn tênh sau khi chứng kiến những cảnh trùng phùng, biệt ly, ngậm ngùi rơi nước mắt.


Tất cả xảy ra hằng ngày trước mắt tôi như một bức tranh linh động có pha ít nhiều màu sắc bi thương. Lâu dần những hình ảnh đó hóa ra quen thuộc khiến tôi gần như trở thành dửng dưng lạnh lùng trước những trạng huống bi đát của cuộc đời cũng như trước những nỗi thương tâm của kẻ khác.


Kể từ ngày Cộng Sản chiếm miền Bắc và hiệp định chia đôi đất nước tôi được ký kết. Nhà ga này hiển nhiên đã trở thành ga biên giới vì nó nằm trong vị thế địa đầu giới tuyến của miền Nam. Do đó, tôi không còn được chứng kiến cảnh những con tàu xuôi ngược Bắc Nam ghé về đây trong mỗi lúc hoàng hôn nữa. Trái lại, mỗi tuần chỉ một lần thôi vào chiều Chúa Nhật mới có một chuyến tàu từ Bắc vô đây.


Đó là con tàu mang sứ mạng chính trị. Nó có phận sự đưa những người dân nào ở miền Bắc muốn vô Nam tìm tự do, để trao đổi lấy những tù binh chiến tranh bị miền Nam bắt cầm tù trong thời chiến. Sân ga lúc này mang màu sắc chính trị với một không khí nặng nề căng thẳng. Chờ đợi trên sân ga là những người lính vai mang súng trường có gắn lưỡi lê nhọn hoắc đi đi lại lại canh phòng bất trắc; những người tù binh, những nhân viên mặc sắc phục của ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến, những đại diện của chính phủ hai miền, hội hồng thập tự, cảnh sát, công an... và những kẻ chờ đón thân nhân. Tất cả dường như nôn nao khi con tàu dừng lại, và sự trao đổi cũng như những thủ tục hành chánh được thực hiện ngay tại sân ga nhỏ bé này.


Vài giờ sau con tàu rời rã kéo ngược về phương Bắc. Và khi bóng dáng nó khuất dần trong màn đêm ở bên kia biên giới thì sân ga cũng bắt đầu trở về trong lặng lẽ buồn hiu. Con đường sắt nằm yên như mỏi mệt sau khi mang nặng chuyến xe chiều đến từ bên kia giới tuyến. Ánh điện vàng vọt ở cây cột đèn đứng chơ vơ nơi góc rào lạnh lùng tỏa ánh sáng nhạt nhòa xuống những bức tường loang lổ rêu phong. Trong khung cảnh u buồn ảm đạm của một nhà ga nghèo nơi biên giới ấy, tôi thấy chỉ còn lại có một người đàn ông ngồi trầm tư với quyển sách cầm hờ hững trên tay. Trời cuối đông có những cơn gió bấc từ hướng bắc thổi về lạnh buốt xương. Nhưng có lẽ vì nghèo không có tiền mua áo ấm nên người đàn ông chỉ choàng trên vai một chiếc mền rách trông thật thảm thương. Hắn xuất hiện nơi đây lúc nào tôi không được rõ. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng hắn là người đợi chờ sớm nhất ở sân ga. Liên tiếp nhiều tuần lễ như thế, những con tàu phương Bắc vẫn đến rồi quay ngược trở về bên kia biên giới mà người thân của hắn thì dường như chẳng có mặt trong nhóm đi tìm tự do. Sự chờ đợi của hắn tôi nghĩ có lẽ sắp mỏi mòn tuyệt vọng! Một hôm, tôi vui miệng đem câu chuyện người đàn ông chờ đợi ấy ra kể cho mẹ tôi nghe. Mẹ tôi theo tôi đến bên cửa sổ nhìn xuống. Bà nói:


- Tội nghiệp quá con ạ, con hãy vào lấy chiếc áo ấm bằng len màu trắng mẹ thường treo trong góc tủ đem ra tặng hắn đi. Bảo hắn mặc vào kẻo bị cảm lạnh chết, và nhớ bảo hắn xếp chiếc mền lại để dành tối đắp. Đi đi con.


- Đâu được mẹ, chiếc áo này quý lắm. Hơn nữa đó là kỷ niệm của ba con để lại, đem cho uổng quá.


Mẹ tôi mỉm cười và xoa nhẹ lấy vai tôi rồi nói:


- Con ơi, vật chất nó chỉ có giá trị nếu ta biết dùng nó thật đúng nơi và đúng lúc. Kỷ niệm của đời người tuy rằng quý thật đó, nhưng nếu ta biết chất chứa nó ở trong lòng thì mẹ nghĩ như thế cũng đủ rồi. Chúng ta treo làm gì một chiếc áo trong góc tủ trong khi ngoài sương gió kia có kẻ khổ lạnh như vậy. Hãy làm theo lời mẹ đi con.


Nghe lời mẹ, tôi cầm chiếc áo đi qua sân ga. Từ trước đến nay tôi chưa quen làm công việc này nên có vẻ hơi bối rối. Tôi ấp úng khi đến gần người đàn ông.

- Ông ơi!


- ...?


- Mẹ tôi bảo đem cho ông chiếc áo này, ông mặc vào đi cho đỡ lạnh. Đừng choàng chiếc mền như thế.


Người đàn ông hơi ngỡ ngàng trong giây lát rồi nhỏ nhẹ trả lời tôi.

- Nhưng... thưa cô, tôi đâu có biết cô và bà cụ là ai, ở đâu - Hơn nữa chiếc áo này quý quá có lẽ... tôi không dám nhận.


- Không sao đâu ông cứ mặc đi, mẹ tôi bảo đem tặng ông đấy - Nhà tôi đằng kia kìa.


Nói xong tôi quay lại chỉ cho hắn chỗ cửa sổ nhà mình. Mẹ tôi vẫn còn đứng bên khung cửa, bà nhìn sang chúng tôi và gật gật đầu nhiều cái như ra dấu bảo hắn hãy nhận chiếc áo đi. Trong khi hắn đang ngơ ngác nhìn sang cửa sổ nhà thì tôi đẩy chiếc áo vào lòng hắn rồi vội vã quay bước về nhà. Sau lưng tôi có tiếng gọi nho nhỏ của hắn, cô ơi... cô.


Hai ngày sau, vào một buổi sáng khi hai mẹ con tôi vừa dùng điểm tâm xong thì người đàn ông đến gõ cửa. Trên tay người đàn ông đó là một gói giấy đã bọc chiếc áo ấm bên trong. Hắn ngỏ lời cảm ơn mẹ tôi về tấm lòng tốt đã tặng cho hắn chiếc áo. Hắn bảo rằng trời sắp sang xuân có lẽ không còn lạnh nhiều nữa và chiếc áo này quý lắm sạch lắm, trong khi tấm thân hắn lang thang phải ngủ trên những vỉa hè và sân ga. Hắn sợ rằng phí phạm và nhơ bẩn cho chiếc áo đắc tiền. Mẹ tôi thấy hắn có vẻ hiền và đôn hậu nên mời ngồi và sai tôi pha trà mời hắn. Trong câu chuyện mẹ tôi hỏi về gia cảnh hắn, về sự chờ đợi ở nhà ga trong những thời gian qua. Hắn kể cho mẹ tôi nghe rằng hắn là người miền Bắc lọt vào tay Cộng Sản, hắn và một số bạn bè bị ruồng bắt tập trung vào trại cải tạo vì bị ghép vào thành phần có tư tưởng chống Cộng. Sau đó hắn may mắn trốn thoát được khỏi trại cải tạo  và vượt tuyến vào đây, bỏ lại người vợ và hai đứa con còn thơ ở ngoài đất Bắc.


Gần đây nghe tin chính phủ hai miền có sự trao đổi giữa những người dân miền Bắc muốn di cư vào Nam với những tù binh chiến tranh hiện bị miền Nam cầm giữ. Hắn tin rằng vợ con hắn sẽ có mặt trong những nhóm người vào Nam tìm tự do. Nên bằng mọi cách hắn phải bám lấy cái nhà ga biên giới này để chờ đợi dù phải trả giá bằng sự đói rét lang thang. Ban ngày hắn phải lặn lội trong khắp các hang cùng ngõ hẻm ở tỉnh lẻ này để ai thuê gì làm nấy mà kiếm miếng cơm ăn. Ban đêm tìm một góc vắng nào đó trên hè phố hoặc sân ga, công viên... để ngủ đỡ qua ngày. Hắn không dám rời xa cái tỉnh này để vào sâu trong Nam dù biết rằng trong ấy công ăn việc làm dễ tìm hơn. Hắn sợ rằng vợ con hắn đến đây sẽ bơ vơ nếu không gặp được hắn.


Mẹ tôi rưng rưng nước mắt khi nghe câu chuyện của hắn. Với bản tánh hay thương người, mẹ tôi ngỏ ý muốn giúp đỡ hắn. Mẹ tôi bảo ở phía sau vườn nhà tôi có một cái kho còn để trống. Hồi trước đó là chỗ ở của một người quản gia, người ấy chết cách đây vài năm, nay chỉ cần dọn dẹp lại chút đỉnh là tương đối thành một chỗ nghỉ ngơi ấm cúng. Bà đề nghị hắn đừng đi lang thang nữa khổ lắm, hãy về đây ở. Hàng ngày gánh vài thùng nước để tưới hoa quả và làm sạch sẽ trước sau, bà sẽ cho cơm ăn, thỉnh thoảng cho tiền tiêu vặt. Rồi khi nào có chuyến tàu ngoài Bắc vô đây, chỉ cần bước vài bước qua một khoảng rào là có thể đứng trên sân ga để sẵn sàng chờ đợi.


Sự ân cần muốn giúp đỡ quá sốt sắng của mẹ tôi đã làm người đàn ông ái ngại. Ban đầu hắn từ chối một cách khiêm nhường, nhưng sau đó thấy mẹ tôi đối xử bằng một thiện chí quá chân thành nên hắn gật đầu ưng thuận. Từ đó gia đình tôi có thêm một người nữa.


Sự có mặt của người đàn ông trong gia đình đã khiến tôi lấy làm khó chịu vì bản tánh tôi vốn rất ghét những sự xáo trộn trong đời sống hàng ngày.

Ba tôi mất đã gần năm năm qua. Trong khoảng thời gian dài ấy, mẹ con tôi sống bình lặng trong ngôi nhà này với một cuộc sống sung túc ấm no bằng gia sản của ba tôi để lại. Tôi lại được cưng chìu từ thuở bé đến bây giờ, bởi thế tâm tính tôi gần như đã trở thành bướng bỉnh. Tôi thường hay cằn nhằn mẹ tôi về việc đã cho người đàn ông ở sau cái nhà kho. Tôi bảo thời buổi bây giờ vàng thau lẫn lộn giặc giã trộm cướp khắp nơi, cái tánh thương người của mẹ có ngày mang tai hoạ đấy. Mẹ tôi nói bà ta biết xem người lắm, gã đàn ông này không đến nỗi nào đâu, giúp người trong cơn hoạn nạn là một việc tốt và để đức về sau. Tôi ừ hử cho qua chuyện vì chẳng dám cãi lời mẹ tôi, chứ thật ra thì tôi hoàn toàn chống đối.


Còn người đàn ông thì lặng lẽ làm việc suốt ngày. Buổi sáng, trong khi hai mẹ con tôi còn đang ngủ muộn thì hắn đã lục đục gánh nước tưới trước tưới sau. Tưới nước xong thì hắn loay hoay làm cỏ vườn, bửa củi, chăm sóc tỉa hoa. Buổi chiều, sau khi công việc nhà xong thì hắn lủi thủi đi qua nhà ga ngồi chờ đợi. Căn nhà tôi lâu nay vốn thiếu sự chăm sóc của bàn tay đàn ông, bây giờ có hắn bỗng nhiên đẹp đẽ và khang trang hẳn ra. Rào dậu được vén khéo, cây cỏ tươi tốt, vườn tược ngăn nắp hơn; mẹ tôi hài lòng lắm. Còn tôi thì bớt ghét hắn một chút vì thấy hắn… vô hại. (Mà thật ra thì tại tôi không ưa hắn thôi chứ hắn có làm gì để tôi ghét đâu!)

 

Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Cũng như mọi năm, năm nay mẹ tôi tổ chức Giáng Sinh lớn lắm. Gia đình tôi vốn là một gia đình danh giá và quyền thế kể từ lúc ba tôi còn sống. Vì thế những người khách đến dự phần đông thuộc về giới thượng lưu và sang trọng trong tỉnh này. Mẹ tôi cũng muốn nhân dịp Giáng Sinh tạo lại những cuộc gặp gỡ với những thân bằng quyến thuộc, để không khí trong căn nhà có phần vui vẻ và nhộn nhịp hơn trong những ngày cuối năm. Mới tờ mờ sáng mẹ tôi đã nhờ người đàn ông vào dọn dẹp nhà cửa. Trong khi người đàn ông lom khom trên sàn nhà tay cầm miếng giẻ lau bên cạnh một sô nước thì mẹ tôi cầm chiếc chổi lông gà phủi bụi trên những pho tượng cổ gần kệ sách. Mẹ tôi thỉnh thoảng có tật lắm chuyện, bà vừa phủi bụi vừa chắc lưỡi than với người đàn ông rằng không hiểu sao lúc rày xã hội xảy ra lắm tệ đoan, nào trộm cướp, giết người, gạt gẫm. Eo ôi! Hắn đã dùng Phương Pháp Luận của Descartes là một triết gia kiêm toán học người Pháp để nói chuyện với mẹ tôi. Hắn đã dẫn chứng cho mẹ tôi hiểu rằng: mọi xấu xa đồi trụy của con người đều phát nguồn từ cái nguyên nhân thầm kín nhất trong bối cảnh xã hội. Không thể nào diệt trừ những tệ đoan xã hội bằng cái phương pháp tỉa những chiếc lá sâu trên một cây đã bị đục khoét từ bên trong. Nghĩa là phải cải thiện xã hội từ bên trong. Muốn cải thiện xã hội một cách hữu hiệu thì phải cần có một trình độ dân trí cao. Muốn có trình độ dân trí cao thì phải cần có một chính quyền thật kỷ luật và một nền kinh tế tương đối được ổn định. Muốn có một nền kinh tế ổn định thì phải có một xã hội bình trị, không có chiến tranh. Sau cùng, hắn nhấn mạnh rằng những điều hắn vừa nói trên là để khai triển vấn đề một cách chính xác mà thôi. Điều quan trọng để con người dễ đi đến chỗ Chân Thiện Mỹ và tạo dựng một xã hội tốt lành hơn chính là: Đức Tin nơi Thượng Đế. Thiếu đức tin, xã hội sẽ chóng sụp đổ như những lâu đài xây trên cát.

 

Mẹ tôi đứng nghe người đàn ông nói chuyện một cách say sưa mà quên hẳn công việc đang làm. Còn tôi đang ngồi đọc sách ở bộ trường kỷ cũng thoáng giật mình kinh ngạc và thầm cảm phục hắn, nhưng làm bộ giả lờ đi như không hay biết. Một chặp sau mẹ tôi nhờ hắn bắt ghế cao để gỡ giùm bức tranh ở phòng khách xuống, mẹ tôi bảo bức tranh có hình cái mụ đàn bà Tây Phương trông xấu quắc mà hồi trước mà ba tôi đã bỏ ra mấy chục ngàn để mua về treo. Mẹ tôi muốn thay thế vào đó một bức tranh sơn thủy của Trung Hoa. Người đàn ông khuyên mẹ tôi đừng lấy bức tranh xuống, hắn bảo rằng bức tranh này là một đại tác phẩm mỹ thuật của thế kỷ 14 do nhà đại danh họa kiêm thi sĩ và nhạc sĩ người Ý tên Leonardo De Vinci thực hiện. Người ngồi trong tranh là nữ hầu tước La Joconde. Đây là bức tranh danh tiếng nhất thế giới với nụ cười mỉm chi bất hủ của người trong tranh mà thế giới kịch nghệ thường gọi là nụ cười La Joconde.

 

Lần này thì tôi kinh ngạc thật sự. Quả thật người đàn ông này có một kiến thức sâu rộng mà tôi không ngờ được. Hắn đã có một lối lập luận vững chắc, biết khai triển vấn đề một cách thứ tự lớp lang chứng tỏ một trình độ học thức cao.

 

Bỗng nhiên tôi hơi hổ thẹn vì điều khám phá mới này ở nơi người đàn ông, người mà từ lâu tôi đã xem ngang hàng như nô bộc hoặc tôi tớ trong nhà. Tôi hổ thẹn ngay cả việc nhìn đến bức tranh La Joconde nổi tiếng mà đã từng nghe người đời ca tụng. Không ngờ nó nằm trong phòng khách nhà tôi gần mười năm nay, vô ra hằng ngày nhìn thấy mà tôi lại chẳng biết. Bây giờ nhìn lại bức tranh tôi thấy quả thật nó đẹp và… quý giá vô cùng.

 

Tuy nhiên tự ái của tôi lại cao lắm, từ trước đến nay ít khi tôi ca ngợi hoặc khen ai. Vì thế tôi cố tình giữ thái độ im lặng như không biết gì cả. Có điều suốt ngày hôm ấy tôi thường hay nhìn lẩn tránh chỗ khác khi đối diện với hắn, hoặc nếu có điều chi cần hắn giúp thì tôi cũng nhờ hắn với một cử chỉ khiêm tốn hơn. Có lẽ mẹ tôi đã nhận thấy được điều đó nên bà nói:

 

- Đó, con thấy mẹ nói có sai đâu. Người ta cũng có ăn học đàng hoàng và mẹ cũng biết xem người lắm. Chẳng qua hoàn cảnh đất nước chiến tranh, gia đình ly tán nên hắn phải chịu khổ như vậy, có ai muốn thế đâu.

 

Lần đầu tiên tôi cãi lại lời mẹ tôi một cách to tiếng. Không phải vì mẹ tôi nói sai mà vì lúc nào cũng có cái luận điệu bênh vực người đàn ông khiến tôi cảm thấy như bị mẹ bỏ rơi.

 

- Ô kìa, nhưng con có làm gì ức hiếp hắn đâu mà mẹ nói vậy. Con vẫn đối xử công bằng với hắn, vẫn gián tiếp cùng mẹ giúp đỡ hắn, cho hắn ăn ở. Đời sống hắn đã tương đối ấm no hơn hàng ngàn người đang lây lất nơi đầu đường cuối chợ. Điều may mắn ấy đâu dễ gì có, mẹ không thấy sao?

 

Mẹ tôi rơm rớm nước mắt trả lời:

 

- Con ơi, nếu con chỉ biết sống theo lẽ công bằng thôi thì cũng chưa đủ đâu con ạ. Chúa đã từng nói rằng người có tội cũng có thể sống công bằng với người có tội. Nếu con chỉ biết làm ơn cho kẻ làm ơn mình thì có ơn chi? Vì người có tội cũng làm như vậy. Con hãy trải tấm lòng con ra mà cho, mà hy sinh nhưng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện đền bù thì con sẽ được phần thưởng xứng đáng nơi Chúa. Tất cả mọi hành động thường được gọi là ‘tốt đẹp’ đều sẽ thành vô giá trị nếu động lực thúc đẩy nó không phải là tình thương yêu chân thành. Càng ngày càng lớn rồi con ạ, đừng nên khắc nghiệt, hãy biết sống một cuộc đời đầy vị tha và khiêm tốn, hãy biết thương yêu người lân cận mình. Đến một ngày nào đó con sẽ thấy rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta thật sự biết thương yêu.

 

Mẹ tôi nói đến đây thì lấy khăn tay lau nước mắt. Tôi cảm động quá vì lời nói trên của mẹ, và lòng tràn đầy hối hận vì đã làm mẹ buồn, bèn ngồi xuống bên mẹ nắm lấy tay, rồi trong một phút không cầm lòng được lần đầu tiên tôi gục đầu trong vòng tay mẹ tôi khóc nức nỡ. Tôi cảm thấy cõi lòng mình như có một điều gì chợt thức tỉnh. Tôi bâng khuâng suy gẫm về ý nghĩa cuộc đời cũng như về những lời nói của mẹ. Và tôi buồn lắm khi thấy rằng quả thật đời mình đã thiếu nhiều ý nghĩa và quá cô đơn. Có phải chăng bởi tôi đã sống thiếu tình yêu thương chân thật.

 

Suốt ngày hôm ấy tôi không được vui và thường hay tìm chỗ vắng lặng để suy tư. Tôi nghe từ cõi sâu vô thức của tâm hồn mình trỗi dậy một niềm ray rức lẫn thương cảm vu vơ đối với người đàn ông. Mẹ tôi thấy tôi buồn nên cố gắng làm tôi vui. Còn tôi thì sợ mẹ buồn nên gắng gượng tươi vui lên cho mẹ hài lòng. Tình trạng đó kéo dài cho đến hôm sau là ngày lễ Giáng Sinh mà bạn bè khách khứa quen thuộc đến chung vui cùng gia đình tôi. Uể oải thoa chút phấn hồng và mặc chiếc áo đắt tiền gần bằng gia tài của một người nghèo, tôi miễn cưỡng ra chào đón khách. Khách đến mỗi lúc một đông, vẫn những quà biếu thiệp mừng, những lời thăm hỏi xã giao đầy khách sáo, vẫn những người của ngày này những năm trước, vẫn những khuôn mặt quen thuộc của độ nào. Chẳng hạn như khuôn mặt của lão đang ngồi canh mẹ tôi. Lão này đã sáu mươi tuổi, một vợ, sáu con và đang làm đốc học một trường công lập trong tỉnh. Mỗi sáng thứ hai, trong giờ chào cờ, lão thường đứng trước hàng ngàn nam nữ học sinh để giảng về luân lý. Lão cực lực lên án những hành vi đồi trụy, phi luân lý, phản nhân cách thiếu đạo đức… Hiện tại thì lão đang ngồi tán tỉnh mẹ tôi và cho mẹ tôi hiểu những điều lợi  nếu bước thêm bước nữa với lão.

 

Ngồi cạnh lão là một ông làm chính trị. Ông kêu gọi nam nữ thanh niên mọi tầng lớp hãy tích cực tham gia nghĩa vụ quân dịch để ngăn chận làn sóng xâm lăng của Cộng Sản. Tháng qua, ông đã lo cho hai cậu con cưng xuất ngoại để khỏi phải đi quân dịch.

 

Trước mặt hai ông trên là một bà đang giữ mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” cho một tờ báo danh tiếng. Mỗi tuần bà dẫn giải phương cách để bảo vệ hạnh phúc gia đình, lứa đôi… Tuần trước, bà vừa mới ra tòa để ly dị với chồng.

 

Ngồi cạnh bà ấy là một bà thuộc giới khá giả nhất trong tỉnh. Bà luôn có tên đứng đầu nơi danh sách quyên góp từ thiện. Mỗi tháng bà đều ăn chay sáu ngày. Nhưng bà sống bằng nghề...cho vay lấy lãi.

 

Còn tôi thì...một cô gái đã hai mươi bảy tuổi. Nhận thấy mình nhà giàu, đẹp và có chút ít học thức tôi đâm ra kiêu hãnh và xem thường mọi người. Tôi thấy như ở cái tỉnh lẻ này chẳng có gã đàn ông nào trông vừa mắt. Những người trông cho được được chút ít thì phần nhiều đã có vợ con. Bạn bè trai gái dường như thấy tôi kiêu kỳ quá nên có vẻ e dè khi đến với tôi. Bởi thế tôi lúc nào cũng cảm thấy cô đơn mặc dù được vây quanh bởi gấm vóc lụa là và tiệc tùng hè hội quanh năm. Rồi tôi lại đánh lừa lương tâm mình bằng cách theo mẹ đến giáo đường trong những buổi sáng Chúa Nhựt. Tôi cũng ngồi nghe rao giảng, cũng hát thánh ca, đôi khi cũng cầu nguyện và ký thác tâm tình cho Chúa vậy. Nhưng thật ra ý niệm về Chúa và sự cứu rỗi thì tôi rất mơ hồ bởi vì mục đích đến giáo đường của tôi chẳng phải bởi những điều đó. Tôi đã dành cho Chúa một chút thì giờ khiêm nhường vào buổi sáng Chúa Nhựt, nhưng đòi hỏi nơi Chúa quá nhiều. Tôi lợi dụng dịp này để gặp gỡ vài bạn mới, khoe vài kiểu quần áo thời trang và để bớt...cô đơn. Chẳng những thế sau khi tan lễ về nhà, với dư âm còn sót lại sau những giây phút thánh thiện nơi giáo đường tôi cứ tưởng rằng mình thanh cao, thoát tục và con nhà lành lắm. Tôi nhìn những người khác như là những kẻ phàm tục đáng chê.

 

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy xấu hổ vô cùng. Có một cái gì đó như bừng sáng ở trong tôi, bên tai tôi như có một tiếng sét ầm ầm vang và tôi đã suýt bật cười to lên giữa bàn tiệc khi phát hiện ra rằng xã hội mà tôi đang sống đây chỉ toàn là một lũ giả hình (trong đó có tôi). Tất cả giống như những tên hề bôi mặt đang diễn trò múa may trên sân khấu giữa một buổi chợ chiều hỗn loạn. Tất cả đều sang trọng tột cùng và hội họp nhân danh ngày của Chúa Jêsus. Nhưng trớ trêu thay chính bản thân của Chúa Jêsus lại sinh ra trong một máng cỏ bần hàn, lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, sống cuộc đời lang thang như du mục và chết một cách nhục nhã trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng sinh. Tất cả đang cười nói huyên thuyên, đang bàn bạc đến những phương thức làm giàu, về thị trường hối đoái, về giá vàng trồi sụt, thỉnh thoảng lại cao hứng bình phẩm về những vấn đề chính trị nóng bỏng nhưng lại lạc đề xa lắc xa lơ. Họ đang quên rằng họ đang đến với nhau trong ngày của một người chỉ biết sống cho hy sinh, chỉ biết gánh nỗi khổ đau cho nhân loại và đã lấy máu mình để rửa tội cho kẻ khác! Hình ảnh đau khổ của Chúa bỗng chốc bừng sống trong tôi.

 

Không biết Chúa Jêsus có hài lòng về điều này hay không? Hay là Chúa Jêsus chỉ hài lòng nếu trong ngày của Ngài người ta hãy dành lại một chút xíu phí tổn, hoặc một chút xíu tấm lòng để chia xẻ phần nào nỗi khổ đau của nhân loại, của nhân dân hai miền Nam-Bắc bị phân qua vì đất nước chiến tranh, bị đói nghèo trong gông cùm Cộng Sản? Bỗng dưng tôi nhớ đến người đàn ông trong nhà tôi. Tại sao người ấy không có mặt trong bàn tiệc ngày hôm nay? Lẽ ra đó phải là người khách quý và được mời trước nhất thì tôi lại quên đi. Tôi đã sống, đã theo đuổi những ảo ảnh phù phiếm xa vời mà quên đi những gì quý báu gần gũi nhất. Tôi như một con thuyền bềnh bồng lơ lửng đi tìm một giòng sông, trong khi đó giòng sông vẫn ở với tôi. Và trong giây phút bừng tỉnh ngộ với âm vang của những réo gọi đầm ấm thiết tha. Tôi rời bỏ bàn tiệc để lặng lẽ ra nhà sau tìm người đàn ông.

 

Trên một thềm đá rêu phong cạnh khoảng vườn tươi mát bên nhà kho, người đàn ông đang ngồi thật bình an, yên lặng với cốc cà-phê đen bốc khói. Đôi môi nở nụ cười hiền hòa người đàn ông chúc tôi một Giáng Sinh vui vẻ. Tôi buồn bã ngồi xuống kế bên, rồi trong làn nước mắt rưng rưng tôi nói:

 

- Ông tha lỗi cho tôi nhé, từ lâu nay tôi đã đối xử với ông không được tốt…

 

Nói đến đây tôi nghẹn người lại. Người đàn ông yên lặng trong giây lát rồi trả lời:

 

- Không có gì đâu cô, trong đời sống của chúng ta, mỗi người có một lối suy nghĩ, hành động và cách cư xử riêng. Điều quan trọng là phải biết thông cảm cho kẻ khác để có một không khí vui vẻ hơn.

 

Tôi cảm động hỏi người đàn ông:

 

- Trước kia ông làm gì ở miền Bắc?

 

- Tôi là giáo sư của một trường đại học Bách Khoa ở miền Bắc.

 

Tôi ngạc nhiên:

 

- Ồ, thảo nào...tôi như một con ếch ngồi dưới đáy giếng, lúc nào cũng tưởng rằng bầu trời chỉ bằng miệng giếng mà thôi. Nhờ ông tôi đã học được nhiều điều mới lạ, ông đừng cười tôi nhé, tôi cảm ơn ông.

 

Người đàn ông xuề xòa cười thay cho câu trả lời. Tôi bẽn lẽn cười theo và thấy lòng vui vui với một thứ tình cảm nhẹ nhàng mới lạ. Chúng tôi trò chuyện với nhau. Người đàn ông kể cho tôi nghe những mẩu chuyện đời ngắn ngủi. Nỗi ray rức không cùng của một con người phải từ bỏ tất cả để sống cuộc đời nổi trôi theo mệnh nước. Người kể về miền Bắc quê hương mình, với con sông xưa, bến đò chiều, tiếng hò đưa khách sang ngang. Những kỷ niệm còn thơ và những ngày mới lớn…

 

Tôi ngồi lặng nghe người đàn ông kể chuyện mà thấy lòng thương cảm lâng lâng và tưởng chừng như thời gian ngưng đọng lại. Nhưng thời gian có bao giờ ngưng đọng lại đâu! Cuộc đời vẫn lặng lẽ trôi đi như những áng mây bay. Ưu tư mệt mỏi vẫn chồng chất theo từng tháng ngày. Những con tàu phương Bắc vẫn đến rồi đi, bỏ lại sau lưng một sân ga buồn hiu hắt với người đàn ông ngồi mỏi mòn chờ đợi dưới ánh điện vàng vọt trong đêm. Tôi vẫn đứng lặng yên bên khung cửa vào mỗi lúc hoàng hôn để trông sang bên ấy. Để thấy rằng chỉ có hình ảnh của những con người biết sống cho có nghĩa có tình chờ đợi thủy chung mới chính là những hình ảnh tuyệt vời và đẹp nhất. Để thấy rằng lòng mình cũng đã bắt đầu biết xôn xao với một thứ tình cảm nhẹ nhàng như khói lam chiều, êm như mây mùa thu và mơ hồ như gió thoảng. Để lắng nghe tiếng còi tàu từ bên kia biên giới vọng lại trong mỗi lúc hoàng hôn mà ngỡ rằng đó là âm thanh của một thứ tình yêu muộn màng nghiệt ngã đang kéo về, bủa vây giăng mắc lấy hồn tôi.

 

Tôi thương làm sao hình ảnh người đàn ông ngồi chờ đợi nơi nhà ga biên giới trong những buổi chiều nhạt nắng. Tôi cũng biết vị trí mình ở nơi người đàn ông nên mỗi khi tâm tư thoáng nghĩ vẩn vơ, đành vội cố quên đi để nghe lòng buồn như muốn khóc. Tôi thầm cầu nguyện cho người đàn ông sớm đoàn tụ với gia đình, để thêm một chút thăng hoa cho đời sống một kiếp người vốn đã quá nhiều gian nan lận đận, và sự chờ đợi đừng hóa ra tuyệt vọng mỏi mòn.

 

Tôi nghĩ đến một lúc nào đó khi tàu phương Bắc lặng lẽ ghé về đây, vợ người đàn ông tay bế tay bồng từ trên xe bước xuống đôi mắt rực sáng khi gặp mặt chồng đang đứng trên sân ga. Tôi nghĩ đến nỗi mừng rơi nước mắt của những người biết thiết tha với tình thương và kỷ niệm gặp nhau sau những ngày dài chờ đợi giữa hai phương trời, hai chế độ và hai giới tuyến khác nhau. Tôi nghĩ đến khuôn mặt rạng rỡ của mẹ tôi khi bà chia xẻ niềm vui cùng với người mà bà đã xem như thân thuộc trong gia đình.

 

Và tôi nghĩ đến tôi trong lúc ấy. Có lẽ tôi sẽ buồn nhiều.

 

 

Hồ Đắc Luật