Theo sự khải thị trong Kinh Thánh, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng của thời đại ân sủng. Ngày Cứu Chúa Jêsus sắp từ trời trở lại tiếp đón Hội Thánh Ngài về trời chấm dứt thời đại ân sủng. Trước khi Ngài hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người và thăng thiên về trời, Ngài phán quyết với người thuộc về Ngài rằng : “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:1-3).

Con người chỉ có một đời để sống trên trần thế. Trong mọi sinh vật, chỉ có con người mới ý thức được có đời sau, sau khi lìa trần. Bởi đời sau mà tôn giáo phát sinh. Triết học chỉ quan tâm đến khái niệm và cách sống ở đời này. Nhưng tôn giáo thì có khái niệm và cách sống ở đời sau.

Hầu hết các tôn giáo đều minh họa đời sau cực khổ hay cực lạc dành cho hai hạng người. Đời sau cực khổ dường như dành cho hầu hết người trên trần thế. Còn nơi cực lạc, ai cũng mong được vào, nhưng dễ gì. Và bởi không dễ, nên các tôn giáo đều đặt ra điều kiện khó khăn mà ai kiên trì tuân theo, giữ đúng thì may ra đạt được.

Phật giáo đưa ra giáo lý “luân hồi”, truyền kiếp để mọi người được an tâm. Sau khi lìa đời, “kiếp” này đã trọn, có vào chỗ “cực khổ” cũng chỉ là giai đoạn tạm thời để chuyển sang một “kiếp” khác, sống trên trần thế để rồi trải qua ngàn ngàn kiếp kiếp, cuối cùng cố gắng liên tục thể nào may ra cũng đến “miền cực lạc”.

Theo Phật giáo, người Phật tử tin mình có kiếp trước, kiếp này và kiếp sau. Làm sao biết kiếp trước mình thế nào, thật khó giải nghĩa, đoán định. Theo Phật Giáo Truyền Thông Đại Thừa tại Hoa Kỳ lý luân về Dấu Ấn Tâm Linh như sau :

Mặc dầu tất cả chúng ta đều là người, nhưng có sự khác nhau về dấu ấn tâm linh và khuynh hướng giữa con người. Một số có dấu ấn tâm linh lành thiện trong khi những người khác có dấu ấn tâm linh không tốt. Dấu ấn tâm linh và khuynh hướng của mọi người không giống nhau.

Chẳng hạn hai đứa trẻ trong một gia đình có thể có khuynh hướng tinh thần hoàn toàn khác nhau. Đứa thứ nhất có thể có khuynh hướng xấu mạnh như chỉ muốn hại người, dễ dàng nổi giận và không thích làm việc thiện. Nhưng có thể đứa thứ hai thì lại tốt bụng, mong muốn giúp đỡ người khác và thích làm những việc lành, có nhiều thiện ý.

Cái gì là nguyên do khiến cha mẹ sinh ra những đứa con có tâm tính hoàn toàn khác nhau như vậy ? Xét cho xâu, thì những khuynh hướng tâm linh này là do kinh nghiệm thuộc về đời trước.

Đứa trẻ có tâm tốt vì nó đã tích lũy những dấu ấn hay thói quen tốt, còn đứa trẻ kia đã tích lũy những dấu ấn tiêu cực (xấu) do những ý nghĩ và hành động xấu trong quá khứ”.

Lạ thật, nếu đúng như vậy thì người xấu cứ xấu tiếp, người tốt cứ tốt hoài, xấu tốt nơi con người như là sự kiện đương nhiên giống như cái đương nhiên trong thời đại vua chúa ngày xưa “Con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa lại quét lá đa”. Luận cứ này hình như mâu thuẫn với quan niệm cổ truyền của dân Việt, nhận định rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”. Người thời đại này đều có chung một nhận định, tính tốt và tính xấu của một đứa trẻ đều phát xuất từ nền tảng giáo dục trong gia đình ngoài xã hội, và đôi khi mang tính chất di truyền trên dòng họ chứ không phải di truyền tích tụ từ kiếp trước. Khoa tâm lý học, xã hôi học đã và đang cố gắng tìm tòi những phương cách hiểu biết về tâm lý và hành xử của con người, hầu “giáo dục” con người sống theo Chân Thiện Mỹ.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Kinh Thánh khẳng định Đức Chúa Trời dựng nên loài người có thân xác, hồn và linh, chứ không phải con người là sự kết hợp tự động của ngũ uẩn gồm có : Sắc uẩn là vật chất (material), thọ uẩn (sensations), tưởng uẩn (perceptions), hành uẩn (formation mentales) và thức uẩn (conscience) (Theo Phật Giáo). Chẳng lẽ cái nhà là sự kết hợp “tự động” của một số vật liệu khác nhau, cùng với nghệ thuật kiến trúc ?

Kinh Thánh khẳng định Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài dựng nên người nam và người nữ, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người (vật thể), hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh (có linh hồn)” (Sáng-thế ký 2:7). Sau đó, tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va được Đức Chúa Trời kết hôn thành vợ chồng và theo công lệ thiên nhiên, Chúa truyền cho loài người : “Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” (Sáng-thế-ký 1:28).

Sau khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời tuyên phạt về sự chết của con người trên trần thế : “ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế ký 3:19). Từ đó con người sau một thời gian sống trong trần thế đều qua đời, thân xác “bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó” (Truyền-đạo 12:7). “Linh hồn” là con người thật của mình thuộc về Đức Chúa Trời và Ngài định đoạt chỗ ở của linh hồn đó.

Kinh Thánh khẳng định con người sinh ra chỉ có một thời gian để sống trên trần thế. Khi lìa trần thì linh hồn hiện hữu trong một nơi nào đó, không phải là địa ngục, cũng chẳng phải là thiên đàng, Kinh Thánh gọi nơi đó là âm phủ (grave, xin tạm dịch là âm thế, vì tôi tin hai chữ “âm thế” có nghĩa tương phản với “trần thế”), tiếng Hy Lạp là “Hades”, chỗ linh hồn người chết ở. Kinh Thánh cũng cho biết có hai loại âm thế. Người đích thực thuộc về Chúa, trung tín trong đức tin, sau khi qua đời ở âm thế (Hades) được gọi là “ba-ra-đi” (Paradise) (Lu-ca 23:43) trong cánh tay “Áp-ra-ham” (Lu-ca 12:36) như người nghèo khốn khổ La-xa-rơ và “ở với Đấng Christ” (Phi-líp 1:23). Linh hồn ở nơi âm thế này được thỏa mãn “nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc” (Khải-huyền 14:13). Còn những người không thuộc về Chúa, và những người theo Chúa không thành tâm ăn năn, nhưng thản nhiên tiếp tục phạm tội, mặc dầu biết chuyện mình làm sai trái, hoặc những người theo Chúa nhưng với đức tin chết, ở âm thế được mô tả là “chốn tối tăm” (Ma-thi-ơ 8:12), là nơi “khổ trong lửa” (Lu-ca 16:24), “cả ngày lẫn đêm không lúc nào được yên nghỉ” (Khải-huyền 14:11). Hai âm thế này cách biệt, không có giao thông, “ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.” (Lu-ca 16:26).

Tất cả linh hồn con cái Chúa đích thực chết đi, sẽ sống lại với thân xác của mình khi Chúa Jêsus từ Trời trở lại. Lời Kinh Thánh cho chúng ta biết như sau : “Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17). Khi ấy thân thể chúng ta : “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài” (Phi-líp 3:21).

Còn những người không thuộc về Chúa, và những người theo Chúa không thành tâm ăn năn, nhưng thản nhiên tiếp tục phạm tội, mặc dầu biết chuyện mình làm sai trái, hoặc những người theo Chúa nhưng với đức tin chết cũng sẽ sống lại ở một thời điểm khác để ứng hầu trước tòa án trắng và sau đó bị “ném xuống hồ lửa”, “hồ lửa là sự chết thứ hai” (Khải-huyền 20:14-15).

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Chúng ta chỉ có một đời để sống trên đất và chúng ta phải quyết định cho đời sau của chúng ta trong đời này. Chỉ có một đời trên đất, không có thêm kiếp nào khác.