BARABBAS

    barabba        Nails

 

 

Chuyến du hành trên Đất Thánh thật tuyệt vời. Chuyến bay từ Nam Hàn đến Tel Aviv thật êm, thức ăn thật ngon, cháo Đại Hàn trên máy bay thật tuyệt vời, các cô chiêu đãi viên hàng không thật giống nhau, người nào cũng thật trắng, cũng mắt to nhờ giải phẩu thẩm mỹ, cũng mũi cao nhờ tài khéo của bác sĩ, viên phi công báo tin sắp đến Tel Aviv mà người nghe phải gồng, phải vảnh tai, tập trung lắng nghe mới hiểu ông ấy nói gì. Tại phi trường Do Thái, sắp hàng trình diện sổ thông hành, sắp hàng đổi tiền, vừa sung sướng vì một đồng Úc đổi được ba đồng Do Thái vừa được ngắm các cô ở quầy đổi tiền. Những mỹ nhân sắc nước hương trời của Do Thái khiến người đổi tiền nhìn các cô nhiều hơn là bận tâm đến số tiền được đổi.

Khách sạn thật sang trọng, hai trăm đô la Mỹ một đêm, phòng cho hai người, bao ăn sáng và ăn tối. Thức ăn đầy bàn, ê hề, theo cách ăn uống của Tây phương. Gà, bò, cừu, cá và rau quả không thiếu gì, chỉ không tìm đâu ra một miếng thịt heo. Sau những buổi điểm tâm thịnh soạn thì bước lên xe bus khổng lồ với máy lạnh, mỗi ngày đến đúng 8g00 sáng để đưa du khách tham quan Đất Thánh cho đến 4g30 phút chiều sẽ được trở về.

Jerusalem vào tháng mười ban ngày chỉ hơi nóng nhưng ban đêm thì lạnh nhè nhẹ rất dễ chịu. Được ăn Mac Donald tại Do Thái là kỷ niệm khó quên, biết rằng ông khổng lồ Mỹ này đi đâu cũng gặp.

Những ngày tham quan Đất Thánh bắt đầu, trước nhất là Cesarea, núi Carmel, rồi đến Nazarette, dừng lại tại Cana, được hướng dẫn viên dẫn vào một tiệm lớn để mua rượu. Mọi người được dịp cười hã hê khi người chủ tiệm rượu giới thiệu rượu Cana mà người thông ngôn cho cô lại là một bà mục sư. Đoàn du hành được đi tàu tại hồ Galilee, được đến một bảo tàng viện để xem một chiếc ghe 2000 tuổi được vớt lên từ một vùng nước đầy bùn của hồ Galilee. Chiếc ghe bé nhỏ, mong manh, chỉ có thể chở được khoảng mười người, chiếc ghe ngày xưa Chúa đã dùng cũng tương tự. Rồi đoàn được đi xem Capernaum, rồi được đến giòng sông Jordan nơi mà ngày xưa Chúa chịu báp-tem. Rồi đến Jericho và sau đó buổi trưa được dùng tại nhà hàng mang tên Temptation Restaurant. Sau giờ ăn trưa hôm ấy, đoàn người được đến Jerusalem và dừng chân ở Bức Tường Than Khóc suốt buổi chiều, cho đến giờ phải trở về khách sạn.

Dolorosa, con đường ngắn nổi danh nhất trên quả địa cầu đã được đoàn tham quan vào ngày thứ năm 11.10.2012. Bên kia đường, đối diện với một tiệm pizza, là một tấm biển. Tấm biển có chiều cao chỉ độ hai tấc, chiều dài nửa mét, trên có ghi hàng chữ chạm đồng Dolorosa, hàng chữ màu vàng này sáng ngời long lanh trước ánh nắng trưa ngày hôm ấy. Hướng dẫn viên dẫn đoàn đi hết những trạm của Dolorosa, người ta đã chia đoạn đường này ra làm nhiều trạm để dễ cho du khách nhớ. Dolorosa của Chúa bắt đầu từ dinh Tổng Trấn Philát được gọi là trạm thứ nhất, rồi đến trạm Chúa vác thập tự, rồi đến trạm lúc Chúa ngã lần thứ nhất, trạm nơi Mari mẹ Ngài nhìn con vác thập tự đi ngang qua... Từ trạm thứ bảy đến trạm thứ chín, Dolorosa nhỏ dần và lên dốc, hướng về nơi gọi là Golgotha. Dolorosa là con đường đất, đầy bụi mịt mù. Ta không tưởng tượng nỗi trong ngày lịch sử ấy, con đường này bụi mù đến mực  nào trước đoàn người kéo theo đoàn hành quyết. Lời Chúa nói cùng những người đàn bà đứng hai bên đường, than khóc cho Ngài “Hỡi con gái Jerusalem, đừng khóc về ta, hãy khóc cho các con và cho con cháu của các con” như văng vẳng bên tai, người bước trên Dolorosa tưởng như thấy và nghe lời ấy phán với chính mình... Rồi mọi người được đưa về khách sạn, dùng một buổi cơm chiều thật thịnh soạn. Buổi tối là thì giờ tự do, có thể đi công viên, đi bờ biển hoặc đi mua sắm.

Tối hôm ấy, một người trong đoàn đã trở lại Dolorosa. Thật không ngờ khách sạn họ đang ở nằm gần bên Dolorosa, đi bộ đến chẳng là bao phút cả. Bảy, tám giờ tối tại Dolorosa rất vắng người. Du khách tham quan Dolorosa chỉ vào ban ngày, ban đêm họ đi mua sắm. Nên Dolorosa về đêm đìu hiu, vắng vẻ, lạnh lùng. Khí hậu thật mát mẽ, chỉ hơi lành lạnh mà thôi. Trên đường hầu như chẳng một bóng người. Các cửa tiệm hai bên đường Dolorosa đều đóng, chỉ trừ một vài tiệm, không hiểu vì lý do gì lại mở cửa. Người đi trên Dolorosa vẫn nhớ đến lời tường thuật của hướng dẫn viên về vụ án nổi danh nhất trên quả địa cầu. Vụ án được bắt đầu từ dinh Tổng Trấn Philát và cũng chấm dứt tại nơi đây, khi Philát nghe theo lời đòi hỏi của đám đông, quyết định tử hình Chúa và giao Ngài cho những người chịu trách nhiệm xử tử ngày hôm ấy. Rồi đoàn hành quyết bắt đầu ra đi, từ dinh Philát.

Dolorosa chỉ là một đoạn đường ngắn, các sử gia ước lượng khoảng chừng ba cây số, từ dinh Philát ra ngoài thành Jerusalem, đến một nơi gọi là Golgotha, chỗ họ đóng đinh tử tội. Trước khi đoàn hành quyết ra đi, có một biến cố xảy ra mà hướng dẫn viên không nhắc đến, nhưng bốn sách Tin Lành đều tường thuật.

Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. Và người Do Thái hằng năm có một phong tục tuyệt đẹp là xin Tổng Trấn La Mã tha cho một tù nhân Do Thái vào dịp lễ trọng thể này. Đây là dịp mà Tổng Trấn La Mã lấy lòng người Do Thái, ông sẽ phóng thích tù nhân nào mà người Do Thái yêu cầu.

Barabbas, anh là một tù nhân khét tiếng đang chờ ngày chịu tử hình. Và ngày tử hình của anh đã đến.Vậy thì khi những người lính La Mã vào tù lôi anh ra, bảo anh cút đi, về với gia đình đi, anh có thể dùng ngôn ngữ nào, chữ nào để kể cho người khác biết nỗi ngạc nhiên kinh hoàng của anh không? Anh đang mơ hay đây là sự thật? Đám đông đang gào thét bên ngoài dinh Tổng Trấn Philát muốn tha anh à? Tại sao họ lại chọn anh? Còn người Tổng Trấn muốn tha nhưng quần chúng không chịu, số phận người đó sẽ ra sao? Anh hiểu vấn đề mà, cũng như đám đông đã hiểu, khi Tổng Trấn thấy mình chẳng làm được gì, chuyện lại còn có thể sinh bạo động, là việc không có lợi cho người La Mã, ông đã lấy nước, rửa tay trước dân chúng và nói: “Ta vô tội về huyết của người này; đó là việc của các ngươi.”

Thật ra, bị xử oan, bị chết oan là chuyện thế gian thường tình, chẳng có gì ngạc nhiên cả. Chưa ai từng lấy thống kê xem con số người bị xử oan, bị chết oan trên quả địa cầu này là bao nhiêu. Nên vụ xử oan này là một trong những vụ xử oan trên thế giới. Điểm khác biệt duy nhất khiến vụ xử oan này trở thành vụ xử hi hữu, có một không hai, đó là người bị xử oan phải chết thế cho người không bị xử oan. Vụ án độc đáo này mang lại một kết quả không ngờ, là có một người được hưởng lợi qua việc xử oan này, và người đó chính là ANH. Tổng Trấn Philát có lợi gì qua vụ án? Ông ngưng được việc đám đông làm loạn. Đám đông có lợi gì ngoài việc thỏa mãn lòng căm giận người đang bị xử oan?  Người được lợi duy nhất trong vụ án này là anh. Anh đã làm điều gì để được tha chết và người đó phải chết thay anh? Anh biết mà, anh chẳng làm gì cả, hoàn toàn không làm gì cả. Anh chỉ được hưởng thôi.

Dolorosa về đêm đìu hiu, vắng vẽ, lạnh lùng. Gần như không một bóng người, không đám bụi mờ, không tiếng la gào, không tiếng cười nhạo, không tiếng khóc, không tiếng ồn ào của  bước chân của đám đông, không tiếng người lính La Mã quát tháo ba tử tội đang vác cây thập tự phải đi nhanh cho họ. Nhưng đây là Dolorosa của một đêm trong năm 2012.

Ngay sau khi lính La Mã đuổi anh ra khỏi ngục, anh làm gì ? Anh mau mau chạy về với gia đình hay anh đi theo đoàn đông để nhìn tận mặt người chịu chết thay cho anh? Mạng đổi mạng. Người ấy phải chịu tử hình để anh được trả tự do. Anh có nhìn thấy người ấy không? Anh có thấy những giọt máu rơi trên đường ? Anh có thấy tấm lưng nát ra vì những lằn roi không thương xót? Anh có thấy sự yên lặng chịu đựng của người đó không? Khi đau đớn quá độ người ta hay chưởi càn, văng tục. Và người khác cũng thông cảm cho họ. Nhưng người này im lặng.

Quảng đường từ dinh Tổng Trấn đến địa điểm hành hình không phải là quá xa, chỉ độ ba cây số. Nhưng đó là đối với người còn khoẻ như anh, chứ đối với các tử tội, nhất là đối với người ấy sau những trận đòn thê thảm, con đường ngắn ấy đau thương lắm anh ạ. Barabbas, anh là người Do Thái,  anh là người ái quốc, vì muốn chống La Mã đang cai trị quốc gia mình mà anh đã làm loạn, đã giết người. Anh hiểu rõ hơn ai hết ý niệm đền tội lỗi theo kinh Cựu Ước của người Do Thái. Ai phạm tội thì phải chết. Nên Môise dạy cho dân sự dâng con chiên đẹp, không tỳ, không vít cho Chúa. Thầy tế lễ sẽ giết con chiên đẹp, không tỳ, không vít trước mặt tội nhân, huyết con chiên đổ ra trên bàn thờ để thay thế huyết đáng lẽ phải đổ ra của người phạm tội. Và tội người ấy được tha. Sướng quá. Mình phạm tội mà con chiên phải đổ huyết cho mình. Nhưng huyết của chiên làm sao thế được tội của ngườI mãi mãi? Là người Do Thái, anh hiểu rõ hơn ai hết đó chỉ là biểu tượng của “Con Chiên của Đức Chúa Trời” phải chết trên bàn thờ cho tội lỗi của dân sự. Nhưng “Con Chiên” đó là ai? Anh không biết, dù anh rất muốn biết.

Hôm nay, vào lúc chín giờ sáng, anh chỉ thấy người ấy đang đi trọn con đường mà sau này mới được gọi là Dolorosa, con đường thương khó của Chúa. Thật ra anh không có lỗi gì khi không nhận ra được người chết thay cho anh là “Chiên Con của Đức Chúa Trời”, đang dâng mình làm sinh tế chuộc tội, một lần đủ cả, cho toàn thể nhân loại. Đám đông, có thể lên đến hàng ngàn người, đang đi theo đoàn hành quyết, không ai thấy được hình ảnh “Chiên Con của Đức Chúa Trời”. Ngay cả mẹ người ấy và sứ đồ người ấy rất gần gũi, yêu thương cũng không nhận ra được hình ảnh ấy. Nếu anh đi theo đoàn người, anh chắc chắn sẽ chứng kiến cách người ấy chết thay cho anh, những khổ hình của tội nhân trên cây gỗ. Anh là người hiểu hơn ai hết, thay vì anh trên cây gỗ, người ấy chịu thay cho anh.

Barabbas, cuộc đời anh là một tuyệt tác phẩm của Đức Chúa Trời. Anh sung sướng nhé. Anh là một người Do Thái, con cháu của Ápraham. Anh thuộc giòng dõi tuyển dân của Đức Chúa Trời. Trong mọi dân tộc trên thế gian, Đức Chúa Trời đã chọn người Do Thái làm tuyển dân của Ngài, anh sung sướng và hãnh diện là phải. Anh lại còn được sống ngay trên vùng Đất Hứa Chúa đã ban cho tuyển dân Ngài. Anh còn đòi hỏi gì hơn? Anh còn mơ ước gì hơn? Nhưng rồi anh phạm tội và  anh phải chịu án tử hình. Đối diện với cái chết thì những vinh dự trong đời chỉ là mây ảo, chỉ là phù du, không còn ý nghĩa nữa. Kinh Thánh Cựu Ước của anh đã dạy rằng con người khi chết thì cũng giống như con vật thôi, cát bụi về cùng cát bụi, có khác chăng là linh hồn người phải trở về với Đấng Tạo Hóa để chịu xét đoán.

Rồi chiều cũng về trong ngày định mạng ấy, vì thời gian có dừng lại bao giờ. Thi thể ba tử tội được mang xuống khỏi cây thập tự. Đám đông rồi cũng ra về, và anh cũng ra về theo với đám đông. Có phải anh trở về gia đình với tâm trạng lẫn lộn, nửa vui, nửa buồn, nửa sung sướng vì được lại cuộc đời anh tưởng đã mất, nửa bùi ngùi, thương cảm cho người phải chịu chết thay anh?

Buổi tối đầu tiên được dùng bữa với gia đình chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua, bên ngọn đèn le lói, cả gia đình cùng nhắc nhở nhau ý nghĩa của đại lễ này và niềm sung sướng tuôn trào được có anh bên cạnh, người tưởng đã mất nhưng lại trở về. Chiên con bị giết, huyết bôi trên ngạch cửa là tuyệt tác phẩm của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu dân tộc anh ra khỏi đất Ai Cập, vùng đất nô lệ khổ đau, không ngày mai. Nếu anh hiểu rằng tuyệt tác phẩm của Đức Chúa Trời hàng ngàn năm xưa chỉ là biểu tượng, và đêm nay, tuyệt tác phẩm ấy được lập lại trong hình ảnh sống và thực, “Chiên Con của Đức Chúa Trời”, Người vác thập tự thay anh, đã chết để đền tội thay anh và cho bất cứ người nào hiểu và nhận ý nghĩa sự chết thay của Ngài, người ấy nhận được sự tha thứ tội lỗi từ nơi Đức Chúa Trời. Đêm nay, nếu anh hiểu ý nghĩa cái chết của Người mang cây thập tự thay anh, ngoài sự tha thứ tội lỗi, anh sẽ nhận được một vinh dự khác mà những người khác không có, đó là tên anh sẽ đứng đầu danh sách những người được tha tội qua cái chết của Ngài, người thứ nhì trong danh sách này là người trộm cướp bị đóng đinh bên cạnh Ngài. Danh sách ấy đến ngày nay mang hàng tỷ tên người đã được cứu, số người không ai có thể đếm được.

Chiều hôm nay, anh có vươn vai hít bầu không khí tự do, trong lành của quê hương mến yêu, anh có nhìn quanh để ghi khắc hình ảnh của núi, của đồi, của dòng sông Jordan nơi anh đã nhiều năm uống giòng nước ngọt. Niềm vui lai láng trong tâm hồn vì anh tưởng đã mất mà nay lại còn, tưởng đã chết mà nay lại được sống, phải không? Anh có lần bước trên đường, ngắm nhìn ngàn hoa đồng cỏ nội chung quanh và tận hưởng hạnh phúc của một người được sống trong tự do?  Hôm nay chắc phải là ngày đáng nhớ nhất trong đời vì anh đã nhận được tặng phẩm lớn nhất trong đời, một tặng phẩm anh biết mình không xứng đáng để nhận. Anh sẽ làm gì với tặng phẩm của Đấng Tạo Hóa đối với loài thọ tạo của Ngài? Giê-hô-va Đức Chúa Trời trong Cựu Ước của anh đã xuống đời, sống giữa lòng dân tộc Do Thái để bày tỏ tình yêu bất diệt và đã chết thay anh. Anh sẽ dừng bước giang hồ để cảm tạ Ngài, thờ phượng Ngài và theo Ngài suốt cuộc đời còn lại của anh? Đời như một giấc chiêm bao, giấc chiêm bao tuy ngắn nhưng anh đã mơ và hôm nay đã thấy được hạnh phúc, niềm vui và ý nghĩa thật sự của cuộc đời.

Mỗi ngày, hàng ngàn du khách bước trên con đường hẹp Dolorosa. Trong số ấy có rất nhiều người bước theo Đấng đã vác cây thập tự và chết thay cho họ. Dolorosa là tuyệt tác phẩm của Đức Chúa Trời và qua tuyệt tác phẩm này, hằng triệu cuộc đời trở thành tuyệt tác phẩm của Đức Chúa Trời và nếu anh tin nhận điều này, Barabbas, anh là người đứng đầu danh sách những tuyệt tác phẩm ấy.

 

Đoàn Thu Cúc