Hình tượng ngày nay đầy dẫy thế gian. Bước vào lãnh vực nghệ thuật, ngành điêu khắc khá phát đạt. Muốn biểu tượng điều gì, người ta tạo ra hình. Người ta vẽ hình trái tim có đôi cánh để biểu tượng hạnh phúc. Người ta vẽ trái tim có đường nứt để biểu tượng sự đau khổ. Hoa Kỳ lấy hình chim ưng làm biểu tượng quốc gia và Tượng Nữ Thần Tự Do làm biểu tượng một đất nước làm nơi dung thân cho bất cứ ai bị áp bức.

Người ta tạc hình những vĩ nhân, danh nhân để nhân thế ghi nhớ công ơn.Người ta cũng tạo hình do trí suy nghiệm về quá khứ cũng như tưởng tượng về tương lai như là một nghiên cứu tiến trình của nhân loại. Bước vào các tiệm bán y phục thì không thiếu hình tượng.

Người ta tìm thấy những hình tượng thời cổ xưa và cố gắng tìm hiểu ý tưởng được biểu hiện qua hình tượng.Nhưng người ta khó tìm ra nguyên nhân  khởi nguyên người ta thờ hình tượng. Kinh Thánh đề cập tới hình tượng người ta thờ được ghi trong sách Sáng-thế Ký như sau : “Bây giờ, vì lòng cháu mong mỏi về nhà cha cháu, nên đã ra đi; nhưng cớ sao cháu lại ăn cắp các pho tượng cậu? Gia-cốp đáp rằng: Vì cớ tôi e cậu bắt hai người con gái lại chăng. Nhưng tìm nơi ai được các pho tượng của cậu, thì ai đó sẽ bị chết đi! Tại trước mặt các anh em chúng ta, cậu hãy kiểm soát các món nơi tôi đi, và hãy lấy vật chi thuộc về cậu. Vả, Gia-cốp vốn không hay rằng Ra-chên đã trộm mấy pho tượng đó. Vậy, La-ban vào trại Gia-cốp, trại Lê-a, trại hai người đòi, chẳng tìm được chi cả. Đoạn, ở trại Lê-a bước ra đi vào trại Ra-chên. Vả, Ra-chên có lấy mấy pho tượng đó, giấu dưới bành lạc đà, rồi ngồi lên trên. La-ban soát lục khắp trại chẳng gặp pho tượng. Nàng bèn thưa cùng cha rằng: Vì trong mình con có việc riêng của đàn bà, nên đứng dậy rước chẳng được; xin chúa chớ giận con chi hết. Người kiếm, nhưng chẳng thấy pho tượng đâu hết” (Sáng-thế ký 31:30-35). Như vậy có lẽ con người thờ hình tượng sau khi loài người phạm tội cùng Đức Chúa Trời chẳng bao lâu. Xa cách Đức Chúa Trời rồi thì cầu khẩn ai, thờ lậy ai để xin được che trở trong những giờ phút gian nguy, hoạn nạn. Ý tưởng bất phục tòng Đức Chúa Trời, mà Sa-tan đã gieo vào tâm con người đã khiến người trần thế tìm đến thờ lậy các hình tượng do họ tạc ra. Con người lẽ ra phải thờ phượng Đấng Tạo Hóa, Đấng đã “dựng nên” mình, thì lại thờ phượng hình tượng mình “dựng nên” nó. Vô tình hay cố ý con người đã theo gót Sa-tan để hạ bệ, coi thường hay bỏ qua Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa.

Kinh Thánh mô tả sự coi thường Đấng Tạo Hóa bởi hình tượng như sau: Thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời, “Lại đi đốn cây bách; lấy cây lật, cây dẽ, mà mình đã chọn trong các thứ cây trên rừng; trồng cây thông, mưa xuống làm cho lớn lên. Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm, lấy về mà sưởi. Cùng dùng để đun lửa hấp bánh; lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quì lạy trước mặt nó. Họ chụm đi phân nửa trong lửa, còn phân nửa thì dùng mà nướng thịt, ăn cho no; hoặc sưởi cho ấm, và nói rằng: Hà! nầy ta sưởi đây; ta thấy ngọn lửa! Đoạn, gỗ còn thừa lại, làm một vị thần, tức là tượng chạm mình; cúi mình trước mặt nó mà thờ lạy, cầu nguyện nó mà rằng: Xin giải cứu tôi, vì ngài là thần của tôi!...” (Ê-sai 44:14-17). Nhưng tiếc thay : “hình tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; có mắt mà chẳng thấy (dầu người ta đã bầy đặt “khai quang điểm nhãn” hi vọng thần tượng thấy được); có tai mà không nghe; có lỗ mũi mà chẳng ngửi; có tay, nhưng không rờ rẫm; có chân, nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng ra tiếng nào” (Thi-thiên 115:4-7).

Đức Chúa Trời đối với “lòng theo ý tưởng Sa-tan” bằng cách người thuộc về Ngài không được phép thờ hình tượng trong điều răn thứ hai của mười điều răn. “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:4-6). Đây là điều răn dài nhất trong mười điều răn, giải nghĩa tường tận, có lời đoán phạt khủng khiếp cho những ai bất tuân điều răn này - thờ hình tượng; đồng thời cũng có lời hứa về ơn phước tuyệt hảo cho cả dòng họ biết tôn giữ điều răn này - không thờ hình tượng và hầu việc chúng nó. Đức Chúa Trời xác định thần tượng là “tà” thuộc về ma quỷ, tà ma mà Ngài là “Đức Chúa Trời kỵ tà”.

Trong Kinh Thánh, Thánh Phao-lô khẳng định “Của cúng thần tượng có ra gì chẳng? Chắc là không; nhưng đồ người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỉ, chớ không phải cúng tế Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em thông đồng với các quỉ” (I Cô-rinh-tô 10:19-20).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta là những người “bỏ hình tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật” (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Đối với con cái Chúa chân chính thật lòng kính mến Chúa, chúng ta tuyệt đối không “thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với hình tượng tà thần” (II Cô-rinh-tô 6:16).

Trên bước đường theo Chúa, người đang chia sẻ niềm tin với quý vị và quý anh chị con cái Chúa đôi lúc không tránh khỏi băn khoăn, buồn xâu thẳm trong lòng, vì tại sao cùng thờ phượng Ba Ngôi Đức Chúa Trời mà Thiên Chúa Giáo (Ki-tô Giáo), Chính Thống Giáo, và Tin Lành lại là ba tôn giáo có nhiều sự khác biệt. Và một trong số sự khác biệt  là thờ hình tượng Chúa Jêsus trên thập tự giá, Mẹ thuộc thể Chúa Jêsus Ma-ri-a, Thánh Phao-lô, Thánh Phi-e-rơ cùng rất nhiều ảnh tượng trên kính mầu. Ngày nay chúng ta thấy hình tượng Chúa Jêsus đầy dẫy mọi nơi, nhất là hình tượng Chúa Jêsus ở trên một ngọn núi thuộc thủ đô Rio De Janero, Brasil. Buồn thay. Lời Kinh Thánh nhắn nhủ với những người theo Chúa rằng : “Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!” (I Giăng 5:21), “chớ nên ngờ rằng Chúa giống như vàng, bạc, hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên.” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:29), vậy mà có chuyện thờ hình tượng của hai đạo Chúa kể trên.

Ước mong nhận được sự giải thích từ quý anh chị con cái Chúa hay quý vị lãnh đạo thuộc Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo về việc thờ hình tượng, để tất cả con cái Chúa chúng ta có thể hiểu rằng chúng ta ở trong một gia đình thờ phượng Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Giới thiệu thơ Tin Lành

Hướng về Chúa

Hướng về Chúa lòng tràn đầy tâm sự

                           Trước Ngôi Ngài con yên lặng Chúa ơi !

                          Con tin rằng Chúa biết hết cả rồi !

                          Con quỳ gối hướng tâm hồn về Chúa.

Hướng về Chúa tâm hồn con vui thỏa

                 Không ưu tư hết thẩy đã tiêu tan

                 Không thời gian, không cả nữa không gian

                 Con không có, con không còn hiện hữu.

                          Vì con sống trong lòng Ngài vĩnh cửu

                          Một tình thương không biên giới mênh mông

                          Một tình thương trùng điệp phủ bao con

                          Và tay Chúa ẵm bồng con trìu mến !

                 Hướng về Chúa mỗi khi con cầu nguyện

                 Con trống không Chúa đầy dẫy trong con

Mạch nước thiêng, mạch nước sống khơi dòng

Làm tươi mới đời con trong Tình Chúa.

                                           Thi sĩ Tường Lưu

 

                                           Một con cái Chúa ở Hoa Kỳ