Nhu cầu thể xác là đồ ăn, đồ uống. Nếu không lâm vào tình trạng đói khát quá độ, người bình thường không thể đụng gì cũng ăn, nhưng tìm những thức ăn bổ dưỡng cho thân xác và tránh đi những thức ăn làm hại cơ thể.

Nhu cầu tâm hồn là vui thỏa và bình an. Nếu không lâm vào tình trạng mê tín vì một lý do nào đó, người biết nghĩ nhận định chỉ thờ Chân Thần chứ chẳng dại gì thờ ma quỷ bậy bạ. Các dân tộc bán khai ở những thế kỷ trước, như các dân tộc thiểu số ở Úc Châu, Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ Latin thường thờ lạy ma quỷ. Ngày xưa người Việt mình một số cũng  thờ ma ở những nơi hoang dã vắng vẻ như gốc cây đa, cây cổ thụ, đền miếu thô sơ. Ngày nay tôi không tìm được tài liệu nào nói về sự thờ phượng ma quỷ trên thế giới. Các dân tộc Phi Châu, Á Châu, Úc Châu, Châu Mỹ Latin đều theo các tôn giáo như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Phật Giáo, Chính Thống Giáo, và một số tôn giáo khác. Có lẽ chỉ còn một số rất ít bộ lạc trên thế giới vẫn còn thờ phượng ma quỷ qua các hình tượng. Tại Nhật Bản, Nam Mỹ người ta vẫn còn thấy một hai nơi có ngôi đền lớn thờ phượng bộ phận sinh dục tục tỉu, và những cảnh làm tình trắng trợn, một loại ma quỷ của thời đại văn minh, để câu du khách uẩn ức và xin phép nói thẳng quá hạ cấp trong tinh thần của một con người.

Trong nền văn hóa dân tộc của người Việt mình có việc thờ cúng bố mẹ. Sau ngày trở về thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Kinggrove, tôi được một anh con cái Chúa cho biết Đạo Tin Lành không cho phép thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tôi có đôi chút ngỡ ngàng về chuyện này và sau đó tôi tìm hiểu lý do qua Kinh Thánh.

Thoạt tiên tôi được biết một vị Mục Sư, mà tôi kính mến, luận về việc thờ phượng người chết, trong đó có cả các bậc sinh thành, ông bà tổ tiên, như sau : Không hiểu tại sao người Việt mình tin chết thì thành ma, nên tiễn đưa người chết đến nơi an nghỉ cuối cùng, chúng ta định danh là “đưa đám ma”. Nhưng khi chúng ta thờ cúng người chết, chúng ta chẳng bao giờ biết mình có ý “thờ ma” (Hết trích dẫn). Nhưng ở nước Việt ta thời đại tôi, môn Đức Dục dạy học trò về việc hiếu với bố mẹ, ông bà đại để như sau. Cây có gốc, nước có nguồn. Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn sinh thành. Đã có hiếu với cha mẹ thì phải có hiếu với ông bà, tức là nhớ đến nguồn gốc của mình. Lúc ông bà cha mẹ còn sống thì chăm lo phụng dưỡng, khi ông bà cha mẹ chết rồi thì phải lo việc thờ phụng để tỏ lòng thành kính biết ơn. Tôi biết khi ông bà, bố mẹ qua đời thì con cái không coi bố mẹ thành ma quỷ theo nghĩa của Kinh Thánh như vị Mục Sư luận. Cũng vì thế tôi thấy luận như trên của vị Mục Sư rất khó đưa người mới tin Chúa đến chỗ được thuyết phục. Sau nhiều năm nghe giảng luận của quý Mục Sư, học Kinh Thánh, đọc Kinh Thánh, suy gẫm lời Chúa, tôi cảm nhận được như sau:

1. Sống ở hải ngoại lâu năm, người chia sẻ niềm tin với quý vị vì bận với công ăn việc làm, giáo dục con cái và gìn giữ sức khỏe, nên đã lắm lúc tự hỏi bầy vẽ cúng vái ông bà cha mẹ để làm gì, khi mà mình chẳng sao thấy được người qua đời hài lòng hay không với việc thờ cúng ? Thời gian chuẩn bị nhang, đèn, hương và các món ăn cúng thì dài, anh em, con cái, cháu chắt chẳng cần biết gì về công khó cũng như chẳng được nghe gì về cuộc đời của người quá vãng. Cầm nhang nghiêm trang vái ít cái, rồi ăn uống vội vã vì ai cũng “bận” cả. Nhất là tôi thấy người sống và người quá vãng không thể truyền đạt ý nghĩ tới nhau được, thì việc thờ cúng mang ý nghĩa gì đây?. Và điều này đã được Kinh Thánh xác nhận : “Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết, chẳng được phần thưởng gì hết; vì sự kỷ niệm họ đã bị quên đi. Sự yêu, sự ghét, sự ganh gỗ của họ thảy đều tiêu mất từ lâu; họ chẳng hề còn có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời” (Truyền-đạo 9:5-6). Như vậy chuyện thờ cúng ông bà cha mẹ trở nên chỉ mang một hình thức, nếu không muốn nói vô nghĩa. Thay vào đó, để tỏ lòng nhớ ơn ông bà bố mẹ, anh em, con cái, cháu chắt trong đại gia đình có thể họp mặt, ăn với nhau một bữa cơm và nói chuyện về ông, bà, cha hay mẹ thì có ý nghĩa hơn. Điều này cũng đã được một số lớn người Việt sống ở hải ngoại lâu năm tán thành. Đó cũng là việc biết ơn tổ tiên ông bà cha mẹ, điều đương nhiên chúng ta ai cũng có. Thế là đủ.

2. Kế đến một con cái Chúa trung tín không thể “đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” mà thờ phượng (Rô-ma 1:23). Mặc dầu chúng ta không phạm vào điều răn Trước mặt ta, ngươi chớ có thần nào khác” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3), vì thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ không có Giáo hội, giáo chủ, giáo sĩ, giáo điều, và nhất là không coi bố mẹ, ông bà, tổ tiên là “thần”. Đây chỉ là chuyện nội bộ gia đình, con cháu mà thôi. Nhưng chúng ta thờ phượng cho có hình thức vô nghĩa để làm gì đây, trong khi chúng ta đánh mất đi sự vinh hiển mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta vì chúng ta thờ cúng “hình tượng của loài người hay hư nát”.

Cuối cùng người chia sẻ niềm tin cùng quý vị và quý anh chị con cái Chúa tin rằng chuyện thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ không mang ý nghĩa chân thật và không cần thiết. Là con cái Chúa trung tín cùng Lời Chúa nên tôi cảm nhận được mình không thể thờ cúng “hình tượng của loài người hay hư nát”, nhưng vẫn có thể giữ được chữ hiếu và lòng biết ơn các bậc sinh thành. Và cho phép tôi không tin rằng tổ tiên, ông bà, cha mẹ chết đi thành ma quỉ theo nghĩa của Kinh Thánh.

Theo Kinh Thánh, ma quỷ rất muốn chúng ta thờ lạy nó. Chính Sa-tan ma quỷ cũng muốn Chúa Jêsus thờ lậy nó. Kinh Thánh ghi : “Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy. Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:8-10).

Tại sao ma quỷ lại muốn người ta thờ lậy nó và nó có quyền ban cho người thờ lậy nó các điều thuộc về thế gian ?

Ma quỷ chính là thiên sứ rất có quyền uy phản loạn cùng Đức Chúa Trời. Các thiên sứ này đã mưu định : “Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao” (Ê-sai 14:13-14). Nhưng chúng bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vương quốc Ngài, xuống không trung, và trở thành “vua cầm quyền chốn không trungvua chúa của thế gian mờ tối nầy” (Ê-phê-sô 2:2, 6:12), đối nghịch với Đức Chúa Trời, tìm hết cách ngăn trở, phá hoại công việc của Đức Chúa Trời. Một trong những cách phá hoại hàng đầu của ma quỷ là làm sao để loài người không thờ Đức Chúa Trời, là điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi loài người : “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 4:10). Những ý tưởng xấu xa tội lỗi ma quỷ tiềm ẩn trong con người hướng dẫn thúc đẩy chúng ta hành xử theo tội lỗi để kiếm lợi danh. Đó là cách duy nhất duy nhất ma quỷ khiến con người quên đi những điều răn dạy của Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng con người có “sanh khí” của Đức Chúa Trời và là loài “sanh linh” (Sáng-thế-ký 2:7).

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Hầu hết chúng ta đều tin có Trời mà con cái Chúa chúng tôi tôn kính gọi là Đức Chúa Trời. Hầu hết chúng ta có lòng nhờ cậy Trời, kêu cầu Trời mỗi khi khốn khó nguy nan. Chúng ta cũng nhận biết ơn Trời. Chúng ta cũng sợ “Trời hành, Trời hại”. Chúng ta cũng ý thức “thuận Thiên dã tồn, nghịch Thiên dã vong”-Thuận với Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất. Nhưng hầu hết chúng ta không có ý muốn thờ phượng Đức Chúa Trời, ông Trời duy nhất đã “dựng nên trời đất” (Sáng-thế-ký 1:1) và tạo dựng “loài người như hình và theo tượng” Ngài (Sáng-thế-ký 1:26). Nếu chúng ta bỏ qua sự thờ phượng ông Trời duy nhất đó, thì phải thờ phượng ai hầu đáp ứng nhu cầu tâm linh một cách trọn vẹn, để có được một niềm tin đích thực, một tâm hồn an bình khi còn sống ở trên trái đất này, một hy vọng vào những năm tháng sau khi qua đời.

Trong mười điều răn Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, điều răn thứ nhất như sau : “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3). Nhân loại “phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10), vì Ngài là Chân Thần duy nhất, và “các thần khác” ( trừ tà thần ) mặc dầu có thể đáng kính trọng nhưng bị ý tưởng Sa-tan lợi dụng để đánh lạc hướng sự thờ phượng Đức Chúa Trời, Chân Thần duy nhất.

Nhiều người đã tôn thờ ý tưởng Sa-tan vì thầm biết được rằng vua cầm quyền chốn không trung” (Ê-phê-sô 2:2) có “chủ quyền” và “thế lực” (Ê-phê-sô 6:12) hay ma lực. Tôn thờ nó hành động theo nó thì nó sẽ ban cho những điều “theo tư dục xác thịt mình” hầu có thể “làm trọn các sự ham mê của xác thịt” (Ê-phê-sô 2:3) mình, và không thiếu những hành vi tội lỗi, tham lam gian lận.

Cho phép tôi tin rằng, con cái Chúa chúng ta, những người còn lương tâm thuần khiết, còn lý trí sáng suốt, còn sự khôn ngoan mà Chúa đã đặt để trong tâm, chúng ta không thể ra nhập hội Sa-tan (Satanism) để thờ phượng chúng. Theo Kinh Thánh, Sa-tan biết rõ điều này, Sa-tan phải trá hình mới mong được người ta thờ phượng. “chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng” (II Cô-rinh-tô 11:14). Chính Sa-tan và quỷ sứ của nó giả mạo “các thần khác, hoặc ở trên trời, hoặc ở dưới đất, (bởi đó họ thờ nhiều thần nhiều Chúa)” (I Cô-rinh-tô 8:5).

Kinh Thánh khẳng định “Thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác” (I Cô-rinh-tô 8:4). Đức Chúa Trời là Chân Thần. Thế mà nhân loại đang cố gắng phủ nhận sự hiện diện của Ngài, cũng như sự tạo dựng ra vũ trụ, muôn sinh vật cùng con người của Ngài, hay quyết tâm khai tử Ngài. Đó chẳng qua là hành động xui khiến của Sa-tan trong nhân loại và nó đã thành công phần nào. Khi không còn Chân Thần, con người dễ dàng chấp nhận tất cả các thần mà Sa-tan gieo vào tâm con người để đáp ứng nhu cầu tâm linh.

Hầu hết các thần nhân loại đang thờ đều phải tượng hình để con người ý thức được thần mình thờ, và thế gian “đầy dẫy những thần tượng” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:16).Để cho nhân loại biết thần tượng không phải là chân thần, Đức Chúa Trời cấm thờ hình tượng “Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:5). Cũng có một Mục Sư thuộc Baptist Church, luận về việc thờ phượng hình tượng đã có câu “Cấm thờ hình tượng, tất nhiên cả hình tượng Chúa Jêsus và hình tượng thập tự giá nữa” (Hết trích dẫn). Đến đây người chia sẻ niềm tin với quý vị cảm nhận được có một cái gì đó không ổn. Xin nhường sự suy tư về việc cấm thờ hình tượng Chúa Jêsus và hình thập tự giá cho quý anh chị con cái Chúa. Người chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa trong bài tới.