Phần linh là phần cao quý nhất của con người, là phần giúp con người nhận biết Đức Chúa Trời theo cách nguyên tri. Đó cũng động cơ thúc đẩy con người tầm đạo, đưa con người vào sự thờ phượng. Nhờ phần linh mà con người có khả năng tương giao với thần linh, cảm thông với vũ trụ và giao thông với đồng loại. Con người trực diện với sự đòi hỏi của vật chất nặng nề thường quên đi phần linh. Các tôn giáo khác đôi khi cố hướng sai lạc trong sự hiểu về phần linh này.

Một vị cư sĩ Phật Giáo cho rằng con người cũng như mọi sinh vật trong trần thế, không có phần linh hay linh hồn. Trong bài “Vấn đề linh hồn trong Đạo Phật” đăng trên báo Thương Mại số 550 do Hội Cư Sĩ Phật Giáo San Diego thực hiện đã viết :

Đạo Phật dạy rằng sinh mạng là sự cấu tạo liên tục của ngũ uẩn tức là những yếu tố sinh lý, tâm lý (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn). Sắc uẩn là vật chất. Thọ uẩn (sensations), tưởng uẩn (perceptions), hành uẩn (formations metales) và thức uẩn (conscience) là phần tinh thần. Những tác dụng tinh thần này chỉ có thể “hiện hành” được khi có căn cứ phát sinh. Căn cứ phát sinh đó là phần thể xác, sinh lý; cũng vì thế mà thể xác được gọi là thân căn. Nếu thân căn thiêu thoại, các tác dụng tâm lý kia không hiện hành được nữa mà trở lại thế tiềm phục. Nghĩa là trở thành chủng tử…Cho nên không có yếu tố bất biến, nghĩa là không có linh hồn, không có bản ngã. Chỉ có những hiện tượng vật lý và tâm lý chuyển biến.- Ta thấy rằng đạo Phật không công nhận linh hồn và do đó không nhận rằng có linh hồn di chuyển. Đạo Phật chỉ chủ trương nhân quả (Patica Samuppada): Một hậu quả nào phát sinh cũng phải có nguyên do tiền hữu -”.

Dầu “không nhận rằng có linh hồn di chuyển” thì khi một người thân qua đời vẫn được đồng đạo cầu mong “linh hồn” hay “hương linh” sớm phiêu diêu miền cực lạc.

Chối bỏ phần linh trong con người là chối bỏ tương quan giữa con người với Đức Chúa Trời, với Đấng Tạo Hóa. Chối bỏ phần linh là tự đưa mình vào đường vô thần, đồng hóa con người với mọi động vật trên thế gian.

Chối bỏ phần linh thì không lo cứu rỗi linh hồn mà chỉ lo giác ngộ, không luận đến tội lỗi mà chỉ lo tìm nguyên nhân đau khổ.

Làm sao chúng ta có thể cố ý xóa bỏ phần linh trong chúng ta, dầu chúng ta có cố ý từ chối phần linh thì phần linh vẫn ở trong chúng ta. Dẫu đạo Phật dạy vậy, nhưng phần linh trong các Phật tử không vì thế mà mất đi. Thể hiện phần linh, người Phật tử vẫn “cầu Trời, khấn Phật”. Ý tưởng Sa-tan chỉ muốn hướng chúng ta đến chỗ chối bỏ phần linh hầu tuyệt giao với Đức Chúa Trời và không lo đến linh hồn mình.

Phần linh là phần quan trọng nhất của con người và con người khó có thể phủ nhận. Hầu hết các tôn giáo trong thế gian đều chú trọng đến phần linh của con người. Dầu con người chấp nhận phần linh, ý tưởng Sa-tan vẫn hướng chúng ta có quan niệm sai lầm về phần linh.

Ý tưởng Sa-tan thường dẫn chúng ta có quan niệm về phần linh như một phần “tinh anh” hay “tinh thần” của con người. Các nhà tôn giáo lo phần linh của con người được gán cho tước vị “lãnh đạo tinh thần”.

Điều ý tưởng Sa-tan khó có thể lừa dối con người về phần linh, ấy là tính chất trường tồn của nó và phần linh là “con người” thật.

Khi con người tắt thở, chắc chắn chúng ta không có cảm nghĩ cái chết của con người đồng nghĩa, đồng trạng thái với cái chết của động vật hay thực vật. Diễn tả về cái chết của con người, người Việt chúng ta dùng nhiều cách diễn tả. Diễn tả theo sinh lý, trạng thái thân xác : Chết, nhắm mắt, thở hơi cuối cùng, tắt thở, trút linh hồn; diễn tả hài hước : Hai năm mươi (trăm tuổi), ngủ với trùng, ngỏm củ tỏi; diễn tả trạng thái :qua đời, từ trần, tạ thế, vĩnh biệt trần gian, an giấc ngàn thu, trở về cát bụi, ra đi vĩnh viễn; diễn tả qua lòng tin : về dưới suối vàng, về với tổ tiên, chầu Trời, quy tiên, về cõi Phật.

Dầu Phật giáo không tin có linh hồn thì vẫn tin sự trường tồn cái phần nào đó trong con người gọi là “hương linh” để có thể “đầu thai”. Không có linh hồn thì phần gì về với Phật Tổ ?

Lại còn một quan niệm linh hồn mình chỉ là một thứ “điển quang” có khả năng tiếp xúc với linh giới, do tu luyện mà có thể “xuất hồn” chu du cả thiên đàng lẫn hỏa ngục rồi trở về thân xác.

Các ý tưởng Sa-tan này có thể dẫn chúng ta đến chỗ hiểu linh hồn một cách sai lạc, chỉ có một dụng ý khiến ta từ chối hay quên đi sự liên hệ giữa ta với Đức Chúa Trời, bởi linh hồn là phần linh, là sinh khí của Đức Chúa Trời trong chúng ta khiến con người trở nên một loài “sanh linh” (Sáng-thế-ký 2:7).

Phần linh trong con người không còn liên hệ với Đức Chúa Trời thì muốn có tính chất trường tồn của linh hồn, phải cho nó “đầu thai” muôn ngàn kiếp cuối cùng đi vào trạng thái “sắc sắc không không” trong tâm thức.

Phần linh trong con người không còn liên hệ với Đức Chúa Trời thì muốn có tính chất trường tồn của linh hồn, phải cho nó về một chốn nào đó theo nguyện ước được thỏa lòng. Cho nên các nhà tôn giáo tha hồ nghĩ ra những mỹ từ chỉ nơi chốn cho những linh hồn người “tốt” về: Tệ lắm cũng về “nơi chín suối” để “ngậm cười”, khá hơn thì vào nơi “tiên cảnh” hay “thiên đàng” nào đó để nhởn nhơ vui thú với “tiên”, tuyệt đỉnh thì vào nơi “cực lạc”. Linh hồn người “xấu” thì được đưa vào mười cửa ngục do thập điện Diêm Vương cai quản, chịu cực hình không thua gì ngục trần gian. Sau thời gian chịu cực hình lại được “đầu thai”. Một số người không tốt lắm cũng chẳng xấu bao nhiêu thì linh hồn vất vưởng không nơi cư trú, phải nhờ các “thầy” cầu siêu.

Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta quan niệm đúng về linh hồn, phần linh trong con người. Kinh Thánh ghi: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế-ký 2:7). Vì cớ đó, Đức Chúa Trời khẳng định: “Nầy, mọi linh hồn đều thuộc về ta; linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va phạm tội, thì “mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23). Vì cớ đó, “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Đến ngày cuối cùng, trước sự phán xét của Đức Chúa Trời, “Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.” (Khải-huyền 20:14-15).

Quan niệm đúng về linh hồn thì nhận biết ngay được rằng linh hồn quý lắm. Chúa Jêsus phán : “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Đức Chúa Trời “không muốn cho một người nào chết mất” (II Phi-e-rơ 3:9), “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi” (I Ti-mô-thê 2:4). “Mọi người được cứu rỗi” đến từ sự tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, vì “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15). Lời Chúa Jêsus mời gọi quý vị : “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng (là những người đã mệt mỏi trên đường tu, trên đường lập công đức mà vẫn không thoát khỏi “gánh nặng” tội lỗi), hãy đến cùng ta (tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình)… ,thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ (được cứu rỗi).” (Ma-thi-ơ 11:28-29).

Quý mục sư và con cái Chúa chúng tôi xin hết lòng thành tâm giúp quý vị quan niệm đúng về linh hồn mình qua lời Kinh Thánh, với ước mong “làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết” (Gia-cơ 5:20).

Giới thiệu Thánh Ca

Xin gửi đến quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa bài Thánh Ca : “The Prayer” – Kinh Cầu Nguyện do một con cái Chúa, nữ ca sĩ Celine Dion, trình bầy. Xin bấm vào link sau đây :

https://www.youtube.com/watch?v=DbviXG_56ss