Con người nghĩ về tương lai, lo lắng về tương lai “Biết ra sao ngày sau”, Sa-tan lừa dối chúng ta qua bói toán. Con người lo tương lai ngưng lại chú tâm đến hiện tại. Sa-tan lừa dối chúng ta trong đời hiện tại.

Con người thoáng nhận biết “sinh ký, tử quy”- sống gửi thác về, nên cõi đời này chỉ là cõi tạm. Nhà văn Nguyễn Công Trứ tính đời người dẫu trăm năm, thì “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”, trong cái thời gian trăm năm ấy, chỉ là “như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. Ấy thế mà lắm người lại lấy tạm làm chính. Sa-tan lừa dối, giúp ta khẳng định “chỉ có một đời sống”, nên lo lắng sao cho thỏa mãn đời này.

Chúa Jêsus phán ví dụ như sau : “Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó; rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu-ca 12:16-20).

Hầu hết người giàu đều khôn ngoan, lanh lợi, may mắn và thường gian trá. Thời gian làm giàu thường thì phải hơn nửa đời người. Mục tiêu thụ hưởng công lao mình, tiêu dùng của cải mình, để sống thỏa mãn là “Nghỉ, ăn uống, và vui vẻ”. Thời đại này, sống thỏa mãn còn thêm “xe hơi loại sang, nhà cao, cửa rộng, đầy đủ tiện nghi” và “du lịch cảnh đẹp thế giới”.

Trong giờ làm việc, chúng ta có mười, mười lăm phút nghỉ, nhưng cái nghỉ này không hứng thú gì, đó chỉ là những giây phút tạm ngưng công việc để cơ thể được thư dãn, tránh lao động quá sức làm giảm năng xuất trong những giờ làm việc kế tiếp.

Tại các quốc gia kỹ nghệ phát triển, nghỉ là quyền lợi của công nhân. Tại Úc Đại Lợi, làm đủ ngày tháng ấn định là có quyền nghỉ bốn tuần một năm, hai tuần nghỉ đau ốm được trả lương, làm thâm niên có quyền nghỉ thêm vài ba tuần có lương. Sắp đến ngày nghỉ, cả ngày nghỉ cuối tuần đã tính chuyện làm gì trong thời gian nghỉ đó rồi.

Chỉ có ngủ mới thực sự nghỉ. Nhưng nhiều người đến lúc ngủ cũng không nghỉ. Nghỉ ngơi làm sao đây khi tâm trí vẫn còn “nghĩ ngợi”. “Đêm năm canh trằn trọc”, ngủ mà không nghỉ vì tâm thần bất an, rễ đắng mọc trong tim, lo âu trong đôi mắt. Sự mệt nhọc này còn nặng nề hơn những phút đổ mồ hôi, lao tâm lao lực. Muốn ngủ phải nuốt vài viên thuốc ngủ để khi tỉnh dậy rã rượu thêm.

Lắm người lại sợ nghỉ, vì ngại rằng công ăn việc làm bị ảnh hưởng tiêu cực, hoặc đôi lúc không có việc gì làm sinh ra nghĩ bậy bạ, để rồi nẩy sinh hành động bất chính - “nhàn cư vi bất thiện”, đôi khi nhàn công rỗi việc lắm chuyện lôi thôi là vậy. Nghỉ là một ơn phước lại trở thành tai họa.

Nghỉ yên hoàn toàn phải chăng chờ đến lúc “Yên Nghỉ” nơi mộ phần. Thật ra cái xác vô tri giác dưới phần mộ làm gì có cảm xúc của tâm hồn về sự nghỉ ngơi.

Chẳng lẽ chúng ta đành phải thở than như thi hào Nguyễn Công Trứ :

So lao tâm lao lực cũng một đoàn Người trần thế muốn nhàn sao được.

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Quý vị đừng để Sa-tan lừa dối, nghỉ mà không nghỉ. Quý vị thực sự mệt nhọc vì thiếu nghỉ chăng ? Hãy nghe lời Chúa Jêsus kêu gọi : “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).

Người đến với Chúa Jêsus là người tin nhận Ngài làm cứu Chúa của mình. Ngay tại thời điểm tin nhận Ngài, người tin liền được Đức Chúa Trời tha thứ hết mọi tội lỗi, người tin liền có sự bình an, yên tĩnh trong tâm hồn - “yên nghỉ” hoàn toàn. Chúng ta sẽ cảm nhận như vua Đa-vít : “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!” (Thi-thiên 32:1-2). Người tin còn được Đức Chúa Trời “ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Cái sự “yên nghỉ” này kỳ diệu lắm. Sự “yên nghỉ” này quả là phước hạnh cho cả đời người.

Chúng ta có hình thức nghỉ mà thật sự không nghỉ. Đừng để Sa-tan lừa dối khiến chúng ta mong muốn, tìm kiếm hình thức nghỉ mà không nghỉ. Con cái Chúa chúng ta không có hình thức nghỉ mà thật sự nghỉ. Con cái Chúa chân chính “làm công việc Chúa cách dư dật luôn” (I Cô-rinh-tô 15:58), “chẳng để cho anh em (chúng ta) ở dưng” (II Phi-e-rơ 1:8), không có thì giờ nhàn rỗi, không có hình thức nghỉ, thế mà đó là sự “yên nghỉ” thật sự trong Chúa một cách vui thỏa, tuyệt diệu đến độ dầu thân xác mệt mỏi vì “làm công việc Chúa cách dư dật luôn”, thì “dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn.” (II Cô-rinh-tô 4:16) vì nhận được năng lực bởi sự “yên nghỉ” trọn vẹn trong Chúa.

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Quý vị mệt mỏi ngay cả lúc cố tìm sự nghỉ ngơi chăng ? Chúng tôi thành tâm mời quý vị tìm sự “yên nghỉ” trong tâm hồn nơi Chúa Cứu Thế Jêsus.

Giới thiệu bài thơ của thi sĩ Tường Lưu, một con cái Chúa ở Hoa Kỳ

Xin thân ái gửi quý vị độc giả

Chúa là nơi ở của con

Chúa là nơi ở của con         Dù con lạc lõng cô đơn giữa đời

Dù khi sóng gió nổi trôi       Dù khi hoạn nạn khắp nơi đổ về

Dù khi nguy khó mọi bề       Dù khi lỡ bước chân lê mỏi mòn

Chúa ơi con vẫn yên lòng    Ngài là nơi ở của con vững vàng

Khôn ngăn nước mắt tuôn tràn Thấy tình thương Chúa dịu dàng phủ bao

Cúi đầu cảm tạ ơn sâu         Cho con nương náu bền lâu trong Ngài

Thế gian dù có đổi dời         Ngài là nơi ở đời đời của con.